Áp thuế chống bán phá giá nhôm Trung Quốc nhập khẩu từ ngày 5/6
Phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước, cho biết việc nhập khẩu tràn lan nhôm từ Trung Quốc đã gây thiệt hại tới sản xuất trong nước.
Sau một thời gian tiến hành điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Quyết định số 1480/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số mặt sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình, đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm, có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đó là các sản phẩm có mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.21.90 (mã vụ việc AD05).
Biện pháp chống bán phá giá tạm thời được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung, với mức thuế từ 2,46% đến 35,58%.
Biện pháp chống bán phá giá tạm thời sẽ có hiệu lực từ ngày 5/6/2019.
Sau khi quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời, Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý Ngoại Thương, trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.
Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra cần lưu ý về khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn chín mươi (90) ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Hồi đầu năm nay, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình (mã HS: 7604.10.10; 7604.10.90; 7604.21.90; 7604.29.10; 7604.29.90) xuất xứ từ Trung Quốc.
Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá trong khoảng thời gian tháng 1-12/2018.
Quyết định của cơ quan quản lý xuất phát từ phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước, cho biết việc nhập khẩu tràn lan nhôm từ Trung Quốc đã gây thiệt hại tới sản xuất trong nước, khiến lợi nhuận giảm, hàng sản xuất ra bị ép giá và tồn kho tăng.
Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp phản ánh thực trạng này đủ điều kiện được coi là đại diện của ngành sản xuất trong nước và được phép yêu cầu cung cấp cơ sở hợp lý để tính toán biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu xuất xứ từ Trung Quốc.
Phía nguyên đơn đề nghị biên độ điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa bị điều tra của Trung Quốc ở mức 35,58%.
Năm 2018, nhôm Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam đã buộc ngành hải quan phải có văn bản yêu cầu "siết" nhập khẩu mặt hàng này, đồng thời kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong khai báo mã hàng nhằm trốn thuế, gian lận thương mại.