Apple thất thế tại Trung Quốc vì làn sóng dân tộc chống Donald Trump
Apple "thất thế" tại thị trường đại lục
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Apple hiện đã tụt xuống vị trí thứ 24 trong danh sách các thương hiệu hàng đầu trên thị trường Trung Quốc đại lục, tức tụt 13 bậc so với thứ hạng năm 2018 và tụt 19 bậc so với thứ hạng năm 2017; kém xa đối thủ Huawei hiện đang xếp ở vị trí thứ 2. Kết quả bản báo cáo thường niên về thái độ người tiêu dùng Trung Quốc của Prophet năm nay còn cho thấy các thương hiệu từ Mỹ ngày càng tụt bậc trong khi thống trị bảng xếp hạng vẫn là dịch vụ thanh toán Alipay.
Khảo sát thường niên Prophet năm 2019 đã tham khảo ý kiến 13.500 người tiêu dùng tại các thành phố lớn của Trung Quốc về 250 thương hiệu khác nhau. Người được hỏi sẽ đánh giá mức độ phù hợp của 250 thương hiệu này với cuộc sống của họ dựa trên các tiêu chí như sự đổi mới, tính hữu dụng, độ tin cậy… Khảo sát đã chỉ ra sự lạnh nhạt của dân Trung Quốc với các sản phẩm Mỹ, đặc biệt là sau vụ việc Huawei bị chính quyền Donald Trump đưa vào danh sách đen và CFO Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada theo cáo buộc từ Mỹ.
Sự xáo trộn về thứ hạng của Apple nói riêng và các thương hiệu Mỹ nói chung trong bảng xếp hạng là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy thách thức mà doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt tại thị trường đại lục trong bối cảnh thương chiến Mỹ Trung kéo dài và tranh chấp thuế quan ngày càng gây áp lực lên nền kinh tế.
Xu hướng dùng hàng nội địa
Trong top 10 thương hiệu được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích năm nay theo Prophet, chỉ có 2 thương hiệu Mỹ là Android ở vị trí thứ 3 và Intel ở vị trí thứ 9. Năm 2017, trước khi thương chiến Mỹ Trung nổ ra, đã có tới 5 thương hiệu Mỹ lọt top 10.
Rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã lựa chọn các thương hiệu nội địa trong danh mục thay vì thương hiệu Mỹ, vì họ nhận định cách mà chính quyền Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen tựa như một vụ "tấn công khủng bố". Làn sóng dân tộc chống lại Donald Trump trỗi dậy từ hồi tháng 5 khi đàm phán đổ bể và Huawei bị hạn chế thương mại cho đến giờ vẫn chưa hạ nhiệt.
Một ví dụ, hãng đồ thể thao nội địa Li-Ning lần đầu tiên xếp ở vị trí thứ 34, chỉ sau thương hiệu Nike 2 bậc. Li-Ning được đặt theo tên nhà sáng lập, đồng thời là vận động viên thể thao nổi tiếng Trung Quốc Li-Ning. Tận dụng làn sóng dân tộc của người Trung Quốc trong năm qua, hãng đã ra mắt bộ sưu tập mang tên Li-Ning Trung Quốc với gam màu đỏ - vàng chủ đạo trên quốc kỳ và trình diễn tại Tuần lễ thời trang New York. Bộ sưu tập nhanh chóng cháy hàng và được giới trẻ Trung Quốc đặc biệt ưa thích.
Quá nhiều lựa chọn thay thế Apple
Không giống như Apple, Android và Intel vốn không phải lo lắng việc người dùng trung thành chuyển sang các đối thủ nội địa Trung Quốc khác, bởi phần mềm Android và chip Intel hầu như không có đối thủ tại thị trường này. Nhưng Apple thì khác. Sự lên ngôi của Huawei cùng hàng loạt thương hiệu smartphone nội địa khác như Oppo, XiaoMi đang làm mai một vị thế của iPhone nhà Táo Khuyết. Các sản phẩm khác như Macbook, smartwatch cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của những nhãn hàng Trung Quốc với mức giá rẻ hơn hẳn.
Nhìn chung, căng thẳng địa chính trị là nguy cơ lớn nhất với Apple tại Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai của nhà Táo sao Mỹ. Một số nguyên nhân khác khiến doanh số iPhone giảm là do dòng iPhone 11, iPhone 11 Pro và iPhone 11 Pro Max mới tung ra bị đánh giá là có mức giá quá cao so với tính năng, không nhiều đổi mới, không trang bị kết nối 5G. Đối mặt với tình huống giảm mạnh cầu iPhone tại thị trường tỷ dân, Apple đã hạ dự báo doanh số năm 2019.