Trở thành "vật tế" trong cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung, Apple "kêu cứu"
Ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng Mỹ lao đao vì thuế
Hôm 1/9, Chính quyền Trump vừa chính thức đánh thuế 15% với khoảng 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. 2/3 sản phẩm trong số đó, không may thay, lại là các mặt hàng tiêu dùng bao gồm quần áo, giày dép, đồng hồ thông minh... Nếu như 250 tỷ USD hàng hóa bị đánh thuế trước đó chủ yếu nhắm đến nguyên liệu sản xuất, máy móc công nghiệp, do đó chỉ ảnh hưởng đến các Doanh nghiệp Mỹ; thì mức thuế mới đây lại “đánh” trực tiếp vào ví người tiêu dùng Mỹ và mở ra quan ngại suy thoái kinh tế ngày một sâu sắc.
Bronwyn Flores, phát ngôn viên Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ CTA khẳng định với CNBC: “Bạn có thể thấy ảnh hưởng tăng giá với người tiêu dùng Mỹ ngay từ 1/9 tới. Ảnh hưởng này sẽ ngày càng trầm trọng khi các mức thuế tiếp theo vào 1/10 và 15/12 chính thức có hiệu lực. Vì vậy, nếu bạn đang muốn mua một chiếc TV mới, tốt nhất hãy đặt hàng thật sớm.” CTA là hiệp hội thương mại đại diện cho hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử, bao gồm cả Apple hay nhà bán lẻ Walmart và BestBuy.
Bronwyn Flores nói thêm: “Mức thuế mới có nghĩa là khi một công ty điện tử điện lạnh nhập khẩu TV hoặc flycam Trung Quốc từ 1/9 tới đây, họ sẽ phải trả thêm 15% thuế cho Chính phủ Mỹ. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng giá toàn bộ thiết bị và sản phẩm bị áp thuế với người tiêu dùng Mỹ”.
“Trong khi đợt thuế quan với 250 tỷ USD hàng hóa từ tháng 7/2018 đến nay, ngành công nghiệp điện tử đã thiệt hại 10 tỷ USD tập trung chủ yếu vào doanh số các linh kiện điện tử. Nhưng giờ đây, mức thuế quan mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm thành phẩm chứ không chỉ là linh kiện”. CTA nhận định. “Cụ thể, đợt thuế quan có hiệu lực từ 1/9 sẽ nhắm thẳng vào các mặt hàng smartwatch, máy theo dõi thể lực, máy tính để bàn, máy ảnh kỹ thuật số, pin lithium...với trị giá ước tính 52 tỷ USD”.
Apple - “vật tế” của chính quyền Trump trong xung đột thuế quan?
Dù đa số đại công ty của Mỹ đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của thuế quan, thì Apple chắc chắn là kẻ “lao đao” nhất giữa chiến tranh thuế quan Mỹ Trung. Giống như hầu hết các công ty điện tử khác, công đoạn lắp ráp cuối cùng các sản phẩm của Apple đa số được thực hiện tại Trung Quốc. Đó là lý do vì sao hầu hết các sản phẩm chủ lực của Apple đều có nguy cơ rơi vào danh sách bị áp thuế của Mỹ.
Đợt thuế quan 1/9 này, cả AirPods và Apple Watch đều có khả năng bị áp thuế 15%. Quan trọng hơn, đây là 2 trong số những sản phẩm có doanh số tăng trưởng mạnh mẽ nhất của nhà Táo. Một số sản phẩm khác có nguy cơ bị áp thuế bao gồm loa thông minh HomePod, máy tính để bàn iMac… Apple hiện chưa đưa ra bình luận nào sau khi mức thuế có hiệu lực.
Từ lâu, cũng như Huawei, Apple bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung như một “vật tế". Cứ mỗi tweet hay nhận xét của Trump về thuế quan dễ dàng làm cổ phiếu Apple tăng hoặc giảm. Mỗi động thái leo thang hoặc giảm nhiệt của chiến tranh thương mại đều khiến thị trường dồn sự chú ý vào Apple.
Dan Ives, chuyên gia phân tích từ Wedbush nhận định Apple gần như đã "chơi tất tay" vào dây chuyền sản xuất lắp ráp tại Trung Quốc, đặc biệt là nhà máy Foxconn với khoảng 1,4 triệu công nhân lúc cao điểm. Sự sống còn của Apple hiện phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Thị phần tại thị trường tỷ dân Trung Quốc cũng đóng góp lớn cho doanh số Apple. Đó là lý do tại sao Apple gần như lệ thuộc vào Trung Quốc và luôn gạt phăng lời đề nghị trở về Mỹ của ông Trump.
Trong tình cảnh có nguy cơ bị áp đặt thuế quan, Apple đã nỗ lực ngăn chặn các sản phẩm của mình bị áp thuế. Hồi tháng 6, Apple đệ trình đơn kiến nghị lên Chính phủ rằng danh mục hàng hóa có nguy cơ bị áp thuế tiếp theo (được gọi là danh sách 4) gần như bao gồm tất cả các sản phẩm chủ lực của hãng bao gồm iPhone, iPad, iMac, AirPods... Điều này không chỉ khiến Apple lao đao mà còn làm suy giảm đóng góp cho nền kinh tế Mỹ.
CEO Tim Cook trực tiếp gặp mặt Tổng thống Trump để đàm thoại
Gửi thư kiến nghị không thành, CEO Tim Cook của Apple còn trực tiếp đàm thoại với Tổng thống Donald Trump để chỉ ra vị trí của Táo Khuyết trong nền kinh tế Mỹ nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung. Nhưng ông Trump sau đó chỉ đưa ra một nhận định khái quát rằng Tim Cook đã vẽ nên một viễn cảnh sáng. Như vậy, 19 sản phẩm chủ lực của Apple hiện vẫn có nguy cơ bị áp thuế.
Theo các nhà phân tích J.P. Morgan, Apple nhiều khả năng sẽ tự chịu các chi phí thuế quan thay vì tăng giá sản phẩm, dù rằng điều này có thể gây thiệt hại đến 500 triệu USD cho công ty.
Viễn cảnh ảm đạm
Trong dài hạn, thuế quan có lẽ sẽ tác động lớn hơn những gì người ta ước tính được với ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Danh mục hàng hóa bị áp thuế vào 15/12 tới đây (gọi là danh sách 4b - phân biệt với danh sách 4a bị áp thuế từ 1.9) được cho là sẽ ảnh hưởng tới 115 tỷ USD sản phẩm công nghệ tiêu dùng, theo ước tính của CTA, bao gồm smartphone, laptop, máy tính bảng, máy chơi game… Danh sách 4b ban đầu dự kiến có hiệu lực từ 1/9 cùng danh sách 4a, nhưng Tổng thống Trump sau đó quyết định hoãn thời hạn áp dụng đến 15/12, khi các mặt hàng Giáng sinh và mùa nghỉ lễ đã lên kệ, để tránh những tác động tiêu cực đến người tiêu dùng Mỹ.
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ hồi tháng 8 tuyên bố họ có thể tiến hành loại trừ một số sản phẩm khỏi danh mục chịu thuế bổ sung. Điều này mở ra hy vọng cho Apple cũng như các công ty công nghệ điện tử của Mỹ rằng sản phẩm của họ sẽ được miễn trừ và không bị áp thuế, dù hy vọng đến nay vẫn khá mong manh.