Ba tháng kiếm 4 tỷ USD và câu chuyện 8 lần bị từ chối visa của tỷ phú Eric Yuan
Khối tài sản tăng lên 4 tỷ USD nhờ dịch Covid-19
Dịch Covid-19 đã khiến khối tài sản của tỷ phú Eric Yuan, nhà sáng lập phần mềm họp trực tuyến Zoom Video tăng lên 112% trong tháng 3/2020.
Từ tháng 12/2019 đến nay, việc sử dụng Zoom trên toàn cầu đã tăng đến 1.900% khi các trường học, cơ quan chuyển sang làm việc trực tuyến để tránh sự lây lan của dịch Covid-19.
Trong 3 tháng qua, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, khối tài sản của Yuan đã tăng hơn 4 tỷ USD, đạt mức xấp xỉ 7,6 tỷ USD, theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index. Phần lớn số tiền đó đến từ 19% cổ phần Zoom mà ông nắm giữ.
Khi đại dịch Covid-19 lây lan khiến nhiều công ty tạm đóng cửa và hủy bỏ các cuộc họp, hội nghị, việc giảng dạy và học tập được chuyển sang trực tuyến để hạn chế tiếp xúc. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng các phần mềm họp trực tuyến như Zoom trở nên bùng nổ.
Bất cứ ai từng biết đến quá trình phát triển của Zoom đều biết rằng câu chuyện tăng trưởng và IPO thành công của hãng không đến từ may mắn. Kể từ khi Eric Yuan thành lập Zoom vào năm 2011, công ty này đã đã vượt qua những khó khăn và có những bước tiến vững chắc để nâng dần số nhân viên lên 2.000 người với doanh thu hằng quý hơn 120 triệu USD và đạt mức vốn hóa thị trường hơn 20 tỷ USD, và tất nhiên, hãng vẫn có lãi.
Để Zoom đạt được thành công như ngày hôm nay, vai trò của Eric Yuan Zoom rất lớn khi ông chính là người sáng lập duy nhất và cùng trải qua những thăng trầm trong kinh doanh cùng với Zoom ngay từ ngày đầu.
Bị từ chối visa tới 8 lần
Đó là một hành trình đầy ấn tượng của ông Yuan, 50 tuổi, từ việc sáng lập một start-up phần mềm nhỏ ở Bắc Kinh cho đến việc lên sàn Nasdaq và là CEO của một trong 10 công ty phần mềm đám mây giá trị nhất của nước Mỹ. Có rất nhiều nhà phát triển Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật số cao cấp, nhưng không có ai gây dựng công ty và dẫn dắt chúng tới IPO được. Thực tế, trong số 50 công ty thuộc Bessemer Nasdaq Emerging Cloud Index, không có công ty nào có CEO là người Trung Quốc.
Yuan đã phải vượt qua nhiều trở ngại để đến Thung lũng Silicon, khi ông bị từ chối visa tới 8 lần. Cuối cùng, ông cũng xin visa thành công vào năm 1997 và sau đó ông nhận được công việc xây dựng hệ thống họp trực tuyến WebEx. Tại thời điểm đó, ông chỉ nói lõm bõm được vài câu tiếng Anh.
"Trong vài năm đầu, tôi chỉ biết cắm mặt lập trình và cực kỳ bận rộn", Yuan cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở sàn Nasdaq vào ngày 18/04.
Ông nhanh chóng trở thành người đứng đầu bộ phận kỹ sư của Cisco cho tới khi Công ty này bị mua lại với giá 3,2 tỷ USD trong năm 2007. Bốn năm sau đó, ông rời công ty.
Vào tháng 4/2011, Yuan đã gọi cho Dan Scheinman, đồng nghiệp cũ tại Cisco, để mời ông ấy một tách trà và trình bày ngắn gọn về ý tưởng về việc thành lập Zoom. Và hiện giờ Dan Scheinman là nhà đầu tư thiên thần và thành viên Hội đồng quản trị của Zoom.
Scheinman kể rằng Yuan đã đến với một thị trường mà mọi người đều cho rằng đã quá chật chội. Ông nói: "Anh ấy phải cạnh tranh với những ứng dụng miễn phí và một vài tên tuổi lớn."
"Bạn phải tiếp tục nỗ lực mang lại hạnh phúc cho khách hàng để kiểm soát vận mệnh của chính mình"
Eric Yuan
Tuy nhiên, Yuan cho biết vấn đề với những sản phẩm này là không ai thích sử dụng chúng cả, đồng thời nói thêm những dòng code bị lỗi mà ông viết cho WebEx cách đây 2 thập kỷ vẫn còn được sử dụng đến giờ. Với kinh nghiệm của mình, ông cũng biết rằng điện thoại thông minh và máy tính bảng có thể còn hữu ích với hệ thống hội nghị qua video hơn là những gì đang có tại thời điểm đó. Scheinman cho biết là ông trở thành bạn đồng hành với Yuan trong quá trình khởi nghiệp cũng chỉ vì tin tưởng vào năng lực của đồng nghiệp cũ.
Với lòng tin vào chính mình, Yuan đã bỏ ngoài tai những lời hoài nghi, thay vào đó ông lắng nghe tiếng nói từ những người dùng. Sự đặt cược của ông đã đem tới kết quả tốt đẹp, dù đó không phải là một quá trình dễ dàng.
Trong 2 năm đầu khi Zoom đi vào hoạt động, Công ty chỉ là có một đội nhóm nhỏ – phần lớn là kỹ sư đến từ WebEx. Phiên bản đầu tiên của sản phẩm hội nghị trực tuyến qua video được tung ra vào năm 2013 và khi đó có quá ít người dùng, đến nỗi Yuan phải tự gởi email thuyết phục những người dùng đã hủy đăng ký.
Yuan cho biết ông muốn thử và lôi kéo người dùng sử dụng dịch vụ gọi video trực tuyến của Zoom để nói ra những vấn đề của họ và xem thử ông có thể giúp gì được không.
Zoom đã bắt đầu được chấp nhận nhiều hơn thông qua sự kết hợp của sản phẩm miễn phí mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng thông qua điện thoại thông minh, và còn có một bộ công cụ để đồng bộ hóa video với hệ thống hội nghị truyền thống. Thay vì sử dụng Google Hangouts hoặc Skype trên điện thoại, WebEx hoặc GoToMeeting từ máy tính cá nhân và thiết bị của Cisco hay Polycom cho phòng hội nghị lớn, Zoom muốn cung cấp tất cả dịch vụ đó dưới dạng các gói đăng ký trả phí hàng tháng. Việc này sẽ hiệu quả cho các doanh nghiệp ở bất cứ quy mô nào.
Yuan cho biết ông không phải là mẫu CEO thích "xê dịch" như nhiều người khác. Ông thích tổ chức các cuộc họp trực tuyến với khách hàng và thuyết phục họ sử dụng Zoom, để ông có thể nói về sản phẩm và nhận phản hồi trong thời gian thực về cách hoạt động và vấn đề người dùng gặp phải.
Hiện tại sau khi IPO, Zoom có hàng trăm triệu USD trong ngân hàng và một giá trị thị trường khổng lồ mà công ty có thể sử dụng để đầu tư vào tiếp thị, sáp nhập và phát triển trí tuệ nhân tạo. Yuan cho biết ông rất phấn khích về triển vọng phát triển các tính năng thông minh cung cấp cho người tham gia cuộc họp các bản tóm tắt tự động.
Eric Yuan năm nay 50 tuổi, là tỷ phú người Mỹ gốc Trung Quốc. Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành toán ứng dụng, lấy bằng thạc sỹ ngành kỹ thuật, và từng dành 4 năm để làm việc tại Nhật Bản. Tỷ phú Eric Yuan hiện cùng vợ và 3 người con sinh sống tại thị trấn Saratoga, một trong những khu vực giàu có nhất Silicon Valley.