Bắc Giang: Kiếm hàng trăm triệu/năm từ bãi đất bỏ hoang

P.V Thứ năm, ngày 03/10/2019 15:17 PM (GMT+7)
Trồng chè trên bãi đất lụt, nghe có vẻ khó tin, nhưng đó lại là câu chuyện có thật tại vườn chè nhà ông Nguyễn Ngọc Sỹ, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Từ bãi đất gần như bỏ hoang, dưới bàn tay của ông, sau một thời gian ngắn đã trở thành một vườn chè xanh mướt.
Bình luận 0

Khu đất bỏ hoang, không ai nhận làm, đối với ông Sỹ thì khác, ông cho rằng, chính vì năm nào cũng bị nước lũ làm ngập nên đất ở đây được bồi đắp một lượng phù sa rất lớn, thích hợp với nhiều loại cây trồng.

img

Ông Nguyễn Ngọc Sỹ bên vườn chè của gia đình.

Điều trở ngại nhất là việc chống ngập cho cây, muốn làm giàu được trên mảnh đất này thì phải ngăn được lũ để ổn định sản xuất và có thể trồng được những cây lâu năm. Ấp ủ ý tưởng, ông đã theo dõi và đánh dấu đỉnh lũ qua nhiều năm, đến năm 2002 ông quyết định bán một phần đất thổ cư và vay thêm vốn ngân hàng để đưa máy móc vào cải tạo và đắp bờ bao. Sau 12 lần thuê máy vào thực hiện, ông đã mở bờ, đắp hàng nghìn mét khối bờ bao và cải tạo được hơn 1ha đất sản xuất.

Có được mặt bằng sản xuất an toàn, từ năm 2002 đến năm 2010, ông đã đưa nhiều loại cây trồng vào canh tác như dưa chuột bao tử, cà chua, chuối, dâu, bạch đàn... Thu nhập từ những loại cây trồng đó đều không đáp ứng được khát vọng làm giàu cũng như xứng với công sức và số vốn gia đình đã đầu tư vào đó.

Cây chè đến với ông như một cái duyên, năm 2010, khi đưa con đi thi đại học ở tỉnh Thái Nguyên, ông đã bắt gặp và kết bạn với một người cùng đưa con đi thi. Người bạn này chính là ông chủ của một trang trại chè lớn nhất nhì ở đất Tân Cương, Thái Nguyên.

Nói đến cây chè, từ trong tiềm thức, nhớ lại thủa còn nhỏ, ông đã bắt gặp nhiều gia đình ở đất Thượng Lan trồng được những cây chè cổ thụ, mọc rất xanh tốt. Trăn trở với mảnh đất có nguy cơ phải bỏ hoang của mình, ông mạnh dạn đề xuất ý tưởng muốn đưa cây chè về đất Việt Yên để trồng. Đồng tình với suy nghĩ của ông, người bạn đã cùng ông về để khảo sát thổ nhưỡng.

Khi đến thăm khu đất, ông bạn bất ngờ khi nhận thấy, chất đất tại đây là loại đất phù sa rất giống với đất ở Tân Cương. Qua tìm hiểu, cả hai đều khẳng định, chính cái ngòi Sim chảy từ Thái Nguyên qua Thượng Lan xuống sông Thương đã mang theo phù sa từ Thái Nguyên tràn vào cánh đồng xã Thượng Lan. Khẳng định được chất đất phù hợp với cây chè, ông Sỹ quyết định quay lại Thái Nguyên học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc và cách chế biến chè thương phẩm. Khi đã nắm vững kỹ thuật trong tay, ông bắt đầu liên hệ đặt mua và xuống giống 2,5 vạn cây, giống chè Kim Tuyên và Thanh Tâm. Đây là hai giống chè được đánh giá là thơm, ngon, có giá trị kinh tế cao, chống chịu sâu bệnh tốt và được trồng phổ biến nhất ở Tân Cương, Thái Nguyên.

Thích hợp với thổ nhưỡng, cây chè phát triển nhanh, chỉ sau 3 năm, trại chè của ông Sỹ đã cho thu hoạch với sản lượng khá và tăng dần theo từng năm.

Những ngày đầu năm 2014, gia đình ông thu hoạch được khoảng 1 tấn chè khô, năm 2015 là gần 2 tấn và những năm tiếp theo dự tính sản lượng tiếp tục tăng lên. Để tạo được lòng tin, cũng như sự yên tâm cho người sử dụng, cây chè tại trang trại của ông được cam kết chăm sóc hoàn toàn bằng phân hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng chính là hướng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, an toàn mà nhiều nông dân đang áp dụng. Với giá bán trên dưới 200.000 đồng/kg, trừ chi phí, ước tính cũng thu về cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Sỹ cho biết: "Đến thời điểm này, tôi chưa phải mang chè đi bán ở chợ hay giao cho bất kỳ đại lý nào cả. Sản phẩm chè khô sau chế biến chủ yếu được bán cho những người tiêu dùng quen trên địa bàn huyện, họ uống, so sánh, cảm nhận và giới thiệu cho nhau, rồi tự tìm đến tận nhà để mua".

Nhiều khách hàng sành uống chè đánh giá: chè nhà ông Sỹ có được cái hương rất tự nhiên, có vị ngọt, đậm, không chát, chè được sao kỹ nên để hàng năm không mất hương, chất lượng không thua kém những loại chè đắt tiền trên thị trường mà giá cả lại rất cạnh tranh.

Việc chăm sóc chè vất vả nhất là khâu làm cỏ, rút kinh nghiệm từ chính đất chè Thái Nguyên, nếu sử dụng thuốc trừ cỏ nhiều lần, sau khoảng 10 đến 15 năm bộ rễ của cây sẽ hỏng, lá teo lại và chết. Để đảm bảo cho cây phát triển bền vững, ông quyết định không sử dụng thuốc diệt cỏ, mỗi đợt làm cỏ ông phải thuê từ 8 đến 10 lao động làm liên tục từ 4 đến 5 ngày mới xong.

Mong muốn giảm thiểu tối đa chi phí trong quá trình sản xuất, từ năm 2012, sau nhiều ngày mày mò nghiên cứu, từ cái đầu máy bơm nước cũ, ông đã cho ra đời chiếc máy băm cỏ. Qua nhiều lần thử nghiệm, chỉ cần một người điều khiển, năng suất làm cỏ bằng máy có thể tương đương với khoảng 8 lao động thủ công. Chiếc máy có thể thích hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau như ổi, bưởi và các cây công nghiệp khác.

Để duy trì được thương hiệu chè sạch đúng theo cam kết, với khả năng sáng tạo và kỹ thuật cơ khí của mình, ông đang ấp ủ sẽ tạo ra được chiếc máy hút sâu, có tính năng ưu việt hơn một số loại đã xuất hiện trên thị trường để đưa vào sử dụng.

img

Thu hái chè tại vườn nhà ông Sỹ.

Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thượng Lan, ông Dương Văn Namchia sẻ: "ông Nguyễn Ngọc Sỹ không chỉ là một nông dân cần cù trong sản xuất mà còn là một nhà nông sáng tạo. Sản phẩm chè của ông làm ra là chè sạch, thơm ngon không kém gì các loại chè có thương hiệu đang bán trên thị trường. Chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ông Sỹ có thể mở rộng quy mô sản xuất và phát triển thương hiệu chè sạch của mình”.

Bằng sự kiên trì, chịu khó, tinh thần sáng tạo, khắc phục được những yếu tố bất lợi của thiên nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sỹ là một trong những gương nông dân tiêu biểu của huyện đã và đang phát triển được mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả,  từng bước vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem