Bắc Kinh đổ lỗi cho Úc là nguyên nhân gây ra căng thẳng song phương

11/11/2020 16:27 GMT+7
Mới đây, phía Bắc Kinh cáo buộc chính Canberra là nguyên nhân thúc đẩy căng thẳng Trung - Úc leo thang trong suốt thời gian qua.
Bắc Kinh đổ lỗi cho Úc là nguyên nhân gây ra căng thẳng song phương - Ảnh 1.

Bắc Kinh đổ lỗi cho Úc là nguyên nhân gây ra căng thẳng song phương

Trong khi các quan chức Canberra kêu gọi làm rõ hàng loạt chính sách của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu Úc, thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc cuối tuần trước đã phát đi một thông điệp yêu cầu phía Úc chủ động cải thiên quan hệ song phương.

Cụ thể, khi được yêu cầu giải trình về đề xuất tạm dừng nhập khẩu 7 mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Úc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin đã kêu gọi Canberra xem lại cách xử lý mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong suốt thời gian qua. Ông Wang chỉ ra rằng kể từ năm 2018, một số dự án đầu tư của Trung Quốc đã bị Úc từ chối với lý do quan ngại an ninh quốc gia, một cái cớ mà Bắc Kinh cho là “thiếu minh bạch và vô căn cứ”.

“Giữa Trung Quốc và Úc, quốc gia nào đang vi phạm các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và hiệp định thương mại tự do song phương? Quốc gia nào đang đi ngược lại những cam kết của mình, phá hoại sự hợp tác và thực hiện phân biệt đối xử? Sự thật đã quá rõ” - ông Wang Wenbin nhấn mạnh.

Nhưng các nhà quan sát cho rằng khi tâm lý bài xích Trung Quốc leo thang ở Úc vào thời điểm hiện tại sẽ khiến những động thái như vậy là khó có thể xảy ra.

“Tôi nghĩ rằng các hạn chế của Trung Quốc nhằm mục đích nhắc nhở Úc rằng Trung Quốc đang muốn tái thiết lập mối quan hệ song phương, nhưng Bắc Kinh chắc chắn không phải bên chủ động” - ông Hans Hendrischke, chuyên gia quản lý và kinh doanh Trung Quốc tại Trường Kinh doanh Đại học Sydney nhận định.

Theo ông Hans Hendrischke, những bình luận của Bắc Kinh còn phản ánh sự thất vọng với thái độ của Úc trong thời gian qua. Nhưng trên hết, Bắc Kinh khó mà mong chờ quan hệ Úc - Trung cải thiện ngay lập tức, đặc biệt là khi sắp có sự chuyển giao quyền lực trong chính phủ Mỹ, một đồng minh thân thiết của Úc. “Sẽ có một số điều chỉnh về quan hệ Mỹ Trung. Úc sẽ chờ đợi sự điều chỉnh này để đưa ra các chính sách tiếp theo”.

Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Úc hiện chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham thì cho hay cho đến nay, ông chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ chính phủ Trung Quốc về việc cấm nhập khẩu bất kỳ mặt hàng nào có xuất xứ từ Úc. Theo ông Simon, các chuyến hàng đến Trung Quốc vẫn được xử lý trong cuối tuần qua, nhưng thừa nhận đã có sự chậm trễ trong việc thông quan các lô hàng tôm hùm. Ngoài ra, ông Simon khẳng định ngành sản xuất rượu vang Úc không được trợ cấp như nội dung cuộc điều tra chống bán phá giá mà Trung Quốc tiến hành từ tháng Tám vừa qua.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại Úc khẳng định phía Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng đối thoái cấp Bộ trưởng về vấn đề thương mại.

Bộ trưởng Nông nghiệp Úc David Littleproud thì kêu gọi các nhà xuất khẩu tiếp tục tìm đến các thị trường khác như Việt Nam để đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc.

Cho đến nay, căng thẳng Trung - Úc đã kéo dài 7 tháng liên quan đến hàng loạt vấn đề từ thương mại đến phi thương mại sau khi Canberra hồi tháng 3 kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19.


 

NTTD
Cùng chuyên mục