Bác sĩ trong trận chiến với giặc Covid-19: Sự hy sinh chưa nhắc tới bao giờ!

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 27/02/2021 09:31 AM (GMT+7)
Suốt hơn 1 năm qua, cả nước đã nỗ lực chống đại dịch Covid-19, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước chống dịch thành công nhất thế giới. Trong trận chiến gian khổ và khó khăn này, những người đã góp công sức lớn nhất chính là cán bộ ngành y tế.
Bình luận 0

Trong cuộc chiến với Covid-19, từ những bác sĩ, điều dưỡng tuyến đầu điều trị cho bệnh nhân, đến những cán bộ y tế dự phòng phải chạy gằn không ngừng trên từng nẻo đường truy vết, hay kỹ thuật viên âm thầm trong phòng xét nghiệm... họ đều đã nỗ lực đến 200-300% sức lực, đã hy sinh rất nhiều hạnh phúc riêng để giữ cho người dân những phút bình yên.

Cuộc chiến với giặc Covid-19, dù không có tiếng súng, không có máu chảy nhưng đã có không ít mồ hôi, nước mắt và sự hy sinh của những y bác sĩ, nhân viên y tế ở mọi mặt trận.

Phải kể đến khoảng khắc sinh tử khi ê kíp bác sĩ khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đã lao lực ép tim liên tục để cứu sống bệnh nhân 19. Ép tim là việc lao lực cực kỳ. Mỗi phút, người thực hiện kỹ thuật này phải ép lên xuống khoảng 120 nhịp với mức độ ổn định, nhẹ không có tác dụng mà nặng sẽ làm tổn thương tim. Một bác sĩ trẻ khỏe mà thực hiện kỹ thuật này trong vòng 2-3 phút là tay đã mỏi rã rời. 8 bác sĩ, điều dưỡng đã phải thay nhau thực hiện ép tim.

Ở khoảng khắc đó, mồ hôi của các bác sĩ đã rơi xuống như mưa...

Bác sĩ trong trận chiến với giặc Covid-19: Sự hy sinh chưa nhắc tới bao giờ! - Ảnh 1.

Tình trạng rất nặng của BN19 nhưng sau 3 tháng điều trị, các bác sĩ đã cứu được bệnh nhân từ tay tử thần, trong đó có 40 phút sinh tử ép tim đầy nghẹt thở.

Đó là nỗi đau của điều dưỡng Nguyễn Thị Liên (Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận) nhận tin mẹ mất, hay điều dưỡng Hoàng Thu Hương (Bệnh viện số 2, Quảng Ninh) nhận tin bố mất khi đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nỗi đau mất mẹ, mất cha thật khó diễn tả bằng lời, nhưng đau hơn khi các chị không thể về nhà chịu tang mẹ, tang cha, không thể nhìn mặt mẹ cha lần cuối. Các chị chỉ có thể lập bàn thờ bái vọng từ khu cách ly của bệnh viện với lời nức nở: "Cha, mẹ đợi con hết dịch con về".  

Ở giờ phút đó, nước mắt đã chảy ướt đẫm những chiếc khẩu trang, gạt đi không hết...

Đó là khi nhân viên y tế Trung tâm 115 TP Đà Nẵng đã ngất xỉu vì sốc khi mặc đồ bảo hộ kín mít giữa cái nắng 38-39 độ C, chạy như con thoi để vận chuyển bệnh nhân Covid-19. Họ bị kiệt sức, mất nước nghiêm trọng đến mức không kịp cởi đồ bảo hộ, họ đã choáng ngã vật ra... 

Trong cuộc chiến này, máu của nhân viên y tế không đổ xuống mà cô đặc lại...

Bác sĩ trong trận chiến với giặc Covid-19: Sự hy sinh chưa nhắc tới bao giờ! - Ảnh 2.

Nhân viên Trung tâm 115 TP Đà Nẵng kiệt sức khi chuyên chở bệnh nhân Covid-19.

Đó là bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân (Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) từ năm Canh Tý sang năm Tân Sửu đã phải 3 lần hoãn cưới để cùng chồng sắp cưới cũng là bác sĩ lao vào tuyến đầu chống dịch, điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.

Là cặp đôi bác sĩ Vũ Quy Bắc (bác sĩ Khoa Khám bệnh) và kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Thị Ánh (Trung tâm Y tế TP Chí Linh, Hải Dương) cùng chung chiến tuyến nhưng "gần nhau trong tấc gang mà biển trời cách mặt" khi chỉ có thể đứng từ xa nhìn lại, không thể chạm, không thể ôm. Họ đã đón Giao thừa Tân Sửu từ hai tòa nhà, cảm nhận tình cảm dành cho nhau một cách rất đặc biệt...

Bác sĩ trong trận chiến với giặc Covid-19: Sự hy sinh chưa nhắc tới bao giờ! - Ảnh 3.

Bác sĩ trong trận chiến với giặc Covid-19: Sự hy sinh chưa nhắc tới bao giờ! - Ảnh 4.

Mỗi người tham gia chống dịch Covid-19 là một câu chuyện cảm động về sự hy sinh, điều mà chính họ không hề nhắc. đến

Đó là những người lãnh đạo, chỉ huy trận chiến chống Covid-19 này, khi tôi hỏi về cuộc sống cá nhân, họ đều nói: "Đừng nói về anh (chị). Đây là thành tích chung của tất cả mọi người. Ở cuộc chiến này, chỉ một cá nhân không thể làm nên thành công, không thể chiến thắng giặc Covid-19".

Nhưng tôi biết, những "vị chỉ huy" đó, một ngày dịch bệnh chưa được đẩy lùi, bệnh nhân chưa thoát khỏi nguy hiểm, nhân viên của họ chưa được nghỉ ngơi thì họ cũng không có giờ phút nào được ăn ngon, ngủ yên.

Ở ngoài kia, trong mặt trận chống giặc Covid-19, mỗi một nhân viên y tế, một sinh viên tình nguyện, một bác nông dân tổ chống Covid-19, một anh bộ đội ở chốt trạm biên giới... đều ẩn giấu những câu chuyện cảm động về sự gian khổ, hy sinh...

Họ đã gạt sang bên hạnh phúc riêng, nén chặt nỗi đau, gồng mình chịu vất vả để cho hàng chục triệu người được an bình, mạnh khỏe, được sum họp, yêu thương...

Nhưng chính bản thân họ lại không nói về sự hy sinh, họ cho rằng đó là trách nhiệm, là tình cảm, là sự tự hào...

Chưa bao giờ, nghề y, chiếc blu trắng, bộ đồ phòng hộ lại đáng yêu như vậy. Và dịch Covid-19 giống như "lửa thử vàng" khiến cho những người chiến sĩ áo trắng của chúng ta càng thêm kiên cường, vững vàng trong tay nghề và đẹp đẽ, quý giá hơn bao giờ hết.

Và trong giờ phút tạm bình yên này, mỗi người người dân đều muốn gửi đến những chiến sĩ áo trắng nói riêng và những người đang trên mặt trận phòng dịch Covid-19 nói chung lời cảm ơn từ trái tim!

Cảm ơn đã giành được cho chúng tôi giờ phút bình yên này!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem