Bàn giải pháp vực dậy kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên và miền Trung sau Covid-19

Duy Hậu Chủ nhật, ngày 18/10/2020 06:35 AM (GMT+7)
Những trăn trở của người nông dân đã được Ban tổ chức Hội thảo "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk, miền Trung-Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch Covid-19" giải đáp và thảo luận những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Bình luận 0

Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn

Ngày 17/10, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk, miền Trung-Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch Covid-19".

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, đại diện Bộ Công thương, Bộ NNPTNT, hơn 300 nông dân đến từ 21 tỉnh, thành tham dự hội thảo.

Bàn giải pháp vực dậy kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên và Miền Trung sau Covid-19 - Ảnh 1.

Nông dân chia sẻ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Theo đánh giá tại Hội thảo, nông nghiệp Tây Nguyên đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung cao về một số loại nông sản có thế mạnh trên thị trường cả nước và thế giới như cà phê (chiếm 94% sản lượng của cả nước); hồ tiêu (chiếm 56% sản lượng); chè (chiếm 24% sản lượng); hạt điều (chiếm 22% sản lượng cả nước)…

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên toàn thế giới, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam, trong đó có nông sản khu vực Tây Nguyên.

Tại Hội thảo, các nông dân đã chia sẻ những khó khăn của nền nông nghiệp hiện nay, như vấn đề tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất; nạn phân bón kém chất lượng, phân bón giả tràn lan trên thị trường; chất lượng đầu vào của cây, con giống khó kiểm soát; đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất nông nghiệp…

Bàn giải pháp vực dậy kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên và Miền Trung sau Covid-19 - Ảnh 2.

Các đại biểu bàn các giải pháp giúp phục hồi nền nông nghiệp.

Tại các phiên thảo luận, lãnh đạo các Bộ, sở, ngành và các chuyên gia đã ghi nhận và trả lời nhiều kiến nghị của nông dân về các vấn đề như: cách nhận diện phân bón thật để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng; giải pháp đối với sự phát triển bền vững cây ăn quả Đắk Lắk và vấn đề xây dựng nhà máy chế biến để tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái cho nông dân; định hướng, chính sách hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch; giải pháp quản lý quy hoạch cây trồng cũng như giải quyết đầu ra cho nông sản để tránh tình trạng "chặt trồng, trồng chặt"; nông dân gặp vướng về các rào cản kỹ thuật quốc tế khi bán hàng trên các trang thương mại điện tử; nguồn gốc giống các loại cây trồng công nghiệp và cây ăn quả; giải pháp để giải quyết những vướng mắc về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP…

Nhiều giải pháp để vực dậy ngành nông nghiệp sau đại dịch Covid-19

Theo ông Nguyễn Văn tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đình trị hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân khiến đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thay đổi trong nhận thức và hành động của nông dân nhằm phát triển thích ứng trong tình hình mới.

Để giảm sức ép khó khăn cho nông dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh, trước mắt chính quyền các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Bàn giải pháp vực dậy kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên và Miền Trung sau Covid-19 - Ảnh 3.

Doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ nông dân.

Đồng thời, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, gắn với thực hiện hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, phong trào "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển nông nghiệp, triển khai có hiệu quả công tác tư vấn cho nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu của từng tiểu vùng và hướng đến phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu để phát triển hiệu quả và bền vững.

Theo tiến Sĩ Ngô Đắc Thuần, muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng các thành tựu, sáng chế về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp của trong và ngoài nước thì phải đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hội thảo chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm của những người thành công trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; tổ chức nhiều chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ người nông dân nắm vững các phương pháp tra cứu và phân tích sáng chế trong nước và thể giới để lựa chọn và ứng dụng vào thực tiễn; phối hợp chặt chẽ giữa bốn bên là Nhà nước, viện/trường, nhà môi giới công nghệ và nông dân trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Khắc Toàn cho biết, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang thực hiện giải pháp về việc dẫn dắt xây dựng các Chi hội nông dân "5 tự" bao gồm "tự giác, tự nguyện, tự quản, tự chủ và tự chịu trách nhiệm" và "5 cùng" là "cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi" tạo ra mối liên kết giữa nông dân với nông dân để cùng nhau tổ chức sản xuất và năng cao hiệu quả kinh tế.

Hiện nay khó khăn lớn nhất của người nông dân vẫn là khâu thu hoạch, chế biến sâu, phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, nhiều mặt hàng nông nghiệp thị trường chưa ổn định, chưa cân đối theo quy luật cung cầu của thị trường… dẫn đến nền sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, để xuất khẩu tốt cần tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là với các sản phẩm chủ lực của vùng Tây Nguyên. Và muốn làm được điều đó, phải bắt đầu từ khâu tổ chức sản xuất, đến khâu chế biến, xúc tiến thương mại, xây dựng bao bì, hình ảnh, thương hiệu…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người nông dân phải sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn để phát triển bền vững. Hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích người nông dân sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng xuất, từ đó giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đối với trăn trở của nông dân về vấn đề phân bón kém chất lượng, ông Nguyễn Khắc Toàn cho rằng, lượng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhiều chủng loại do nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất không được thẩm định, kiểm tra chất lượng khi tràn ra thị trường và được sử dụng sẽ làm bào mòn hệ dinh dưỡng của đất, giảm năng xuất trong sản xuất nông nghiệp.

Thực trạng trên đã được báo cáo với các Bộ, Ngành và cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo để giải quyết, trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tiến hành, kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp sản xuất phân bón, kiểm tra việc kinh doanh phân bón. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón phải tuân thủ đầy đủ đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các đơn vị phải xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng để bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem