Bản lĩnh và tinh thần của doanh nhân Việt không thua kém bất cứ quốc gia nào

An Linh (Thực hiện) Thứ năm, ngày 13/10/2022 07:00 AM (GMT+7)
"Doanh nhân Việt và bản chất con người Việt không hề thua kém về bản lĩnh so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này, về cả tính thông minh, bản lĩnh và tinh thần dân tộc".
Bình luận 0

Bản lĩnh và tinh thần doanh nhân Việt không hề thua kém bất cứ quốc gia nào!

Khẳng định của PGS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế độc lập, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính về một thế hệ doanh nhân Việt Nam thế kỷ XXI, với mục tiêu tham vọng là xây dựng một cơ đồ để đưa đất nước ta trở thành nước phát triển vào năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm ngày lập nước (1945-2045).

Bản lĩnh và tinh thần của doanh nhân Việt không thua kém bất cứ quốc gia nào - Ảnh 1.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế độc lập, Học viện Tài chính. (Ảnh NVCC)

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2022, PV Dân Việt có trao đổi ngắn với PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế độc lập, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính xung quanh những trăn trở suy nghĩ của ông về thế hệ doanh nhân hiện nay, những người đã và đang góp sức mình thay đổi nền kinh tế đất nước.

Thưa ông, vượt qua những biến động của thời gian, thách thức, đội ngũ doanh nhân Việt đã không ngừng lớn mạnh, giúp thay đổi bộ mặt kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, còn đâu đó những trăn trở, nghĩ suy về một bộ phận đại doanh nhân dùng quyền lực thao túng, vướng vòng lao lý, đứng ở góc độ người nghiên cứu độc lập, ông có thể chia sẻ những góc nhìn, suy nghĩ của mình?

- Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần mong muốn sự phát triển bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân. Đã là kinh tế thị trường, sự phát triển kinh tế tư nhân là một đòi hỏi bắt buộc, vì lẽ đó, chúng ta đã thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và đánh giá đúng đắn về vai trò của doanh nhân.

Khi đất nước còn trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch hoá, bao cấp, chúng ta gọi doanh nhân là con buôn, con phe…. Nhưng đến nay, toàn xã hội đã thay đổi và họ đã trở thành một trong những lực lượng giải quyết nhiều vấn đề xã hội từ thúc đẩy xã hội, giải quyết công ăn việc làm, đến thiện nguyện, định hướng phát triển đất nước.

Ngày nay, các doanh nhân, doanh nghiệp lớn đã và đang định hình đất nước tiếp cận một xu hướng mới, họ thay thế cả một quốc gia, dân tộc ngồi chơi ván bài với thế giới.

Vì thế cho nên, vai trò doanh nhân ngày càng lớn hơn, doanh nhân tham gia vào đời sống xã hội ngày càng nhiều hơn và rất nhiều trong số họ tham gia vào cơ quan lập pháp, chuyển hoá mong muốn nguyện vọng của họ, toàn xã hội vào chính sách, pháp luật. Nó tạo ra sự cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do là doanh nhân, có mối quan hệ rộng, tiềm lực tài chính nhiều nên có những trường hợp họ xé rào để lợi nhuận cao hơn, để thực hiện hành vi kinh doanh không đúng pháp luật, không được pháp luật cho phép… 

Chúng ta đang thấy vấn đề là chúng ta có thế hệ doanh nhân lớn, trẻ, năng động và có tiềm lực lớn. Nhưng cũng vì thế mà họ lại lợi dụng để thao túng thì không thể chấp nhận được. Một trong những điều kiện là phải có khuôn khổ pháp lý, đạo đức, giúp cho doanh nhân vừa chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhưng cũng phải có được lằn ranh pháp luật để họ không được lạm dụng, chiếm đoạt tư lợi cho mình để khổ cho vạn người khác.

Việt Nam đang chuyển đổi từ cơ chế kinh tế hạch toán, bao cấp sang cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa, nơi có bàn tay của nhà nước. Chúng ta cần phải có minh bạch, phải có nhà nước pháp quyền đầy đủ để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, doanh nhân không phải "cúi xin" thông tin hay "lót tay" nhờ cậy làm giàu. Theo ông Việt Nam nên làm gì khi quá trình hội nhập và thời cuộc đã và đang đặt ra thách thức phải xây dựng nhà nước pháp quyền, nhà nước 4.0 - minh bạch, hiện đại?

- Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 và Quốc hội thứ XV lần này, tôi thấy rõ là Việt Nam đã và đang đang hoàn thiện rất nhiều pháp luật để thích ứng với cơ chế thị trường. Chúng ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa nên dù cơ chế thị trường thì vẫn phải có bàn tay nhà nước can thiệp, điều hành.

Nhưng vai trò doanh nhân hiện nay rất quan trọng, hiện nay vị thế của họ đã thay đổi khi kinh doanh họ cảm thấy các cơ chế quản lý, hành chính đang cản trở sự sự phát triển của họ, họ sẵn sàng lên tiếng nói thông qua hiệp hội ngành nghề, cơ quan Bộ ngành, tổ chức xã hội, phương tiện thông tin, Chính phủ. Và hơn lúc nào lên "quyền lực" phản biện chính sách, phản biện thủ tục hành chính đang nằm trong tay doanh nghiệp, với những cơ chế rộng mở hơn.

Đặc biệt, hiện nay Chính phủ đang thúc đẩy phát triển Chính phủ số, ngày chuyển đổi số quốc gia được lấy là ngày 10/10 hằng năm. Chúng ta cần đẩy mạnh số hoá để tính công khai minh bạch của nền kinh tế sẽ tốt hơn, chi phí không chính thức, chi phí "gầm bàn" sẽ giảm tối đa. 

Doanh nhân, doanh nghiệp không cần "gặp" cán bộ, chỉ cần vào website để đưa thông tin, đăng ký thông tin… với thủ tục, biểu mẫu tuân thủ đúng thì không tạo ra chi phí lòng vòng, không khiến doanh nghiệp mất tiền bôi trơn cho cán bộ. 

Nếu chúng ta làm tốt chuyển đổi số, số hoá dịch vụ sẽ triệt tiêu động cơ của cán bộ nhà nước, sẽ rà soát được chiêu trò vòi vĩnh của cán bộ và xử lý được khuyết tật này. 

Tôi thấy thời gian vừa qua, doanh nghiệp kêu trời vì họ phải sử dụng chi phí bôi trơn quá nhiều dù không có bằng chứng, giấy tờ.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã thiết kế được một hệ tống tư tưởng, xây dựng được đội ngũ doanh nhân dân tộc giúp đất nước cường thịnh trong hàng chục thập kỷ đã qua. Với Việt Nam, ông nghĩ sao về tinh thần của doanh nhân dân tộc hiện nay, so sánh với các nước Á Đông, điều gì ông còn trăn trở đối với họ, nhất là khi có khá nhiều doanh nhân đã và đang vướng vòng lao lý?

- Doanh nhân Việt và bản chất con người Việt không hề thua kém về bản lĩnh so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này về cả tính thông minh, bản lĩnh và tinh thần dân tộc.

Nhưng rõ ràng, điều kiện để họ phát huy tối đa thì ở đâu đó vẫn còn chưa được khơi thông, chưa đầy đủ bệ đỡ nên chưa phát huy trong cơ chế quản lý hoặc trong mắt nhìn của người dân.

Đôi khi, người Việt vẫn chuộng hàng ngoại thay vì hàng nội, hoa quả ngoại nhìn đồng đều hơn, mẫu mã và bao bì đẹp hơn. Tuy nhiên, bản chất lại không ngon hơn hoa quả Việt Nam, dù cho mẫu mã và bao bì chúng ta thua kém. Chúng ta hãy tin yêu hàng Việt để tạo cho doanh nhân Việt một thị trường để họ vùng vẫy, thoả sức. 

Bản thân các doanh nghiệp Việt bên cạnh khát khao khẳng định mình, chinh phục các thị trường quốc tế thì mấu chốt nhất vẫn phải là "hậu phương", vẫn phải là người tiêu dùng trong nước, trong đó sản xuất sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất và giá cả phải chăng nhất.

Nâng cao vị thế và giá trị của doanh nghiệp Việt Nam hơn bao giờ hết là bản thân họ phải phát huy hết bản lĩnh trí tuệ của mình. Doanh nhân Việt cần có sức mạnh của tập thể, đoàn kết trên thương trường để các bên cùng Win - Win trong thời đại mới.

Mục tiêu năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước giàu, nước phát triển nhân dịp kỷ niệm 100 ngày lập nước. Bản thân mỗi doanh nhân, mỗi con người Việt Nam hiện nay đều gánh trên vai trách nhiệm rất lớn là đổi mới vị thế, nâng cao vai trò của dân tộc trên trường quốc tế. Tôi tin vào nỗ lực hiện nay của bản thân các doanh nhân Việt, cũng như tin vào tinh thần đổi mới của thế hệ trẻ Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem