Chuyên gia "hiến kế" giúp tăng tốc làm nhà ở xã hội

Thái Nguyễn
16/02/2025 12:12 GMT +7
Việc triển khai đề án xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội trong năm 2025 là mục tiêu quan trọng của Bộ Xây dựng. Do đó, nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển phân khúc này được đưa ra.

Kiến nghị chủ đầu tư nhà ở xã hội được tăng hệ số sử dụng đất và quy mô dân số

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá năm 2025 là "bản lề" để thị trường bất động sản chuyển tiếp sang giai đoạn phát triển lành mạnh, bền vững hơn từ năm 2026 trở đi. Trên cơ sở đó, HoREA đã kiến nghị 10 giải pháp thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản.

Thứ nhất, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình cấp có thẩm quyền xem xét cho phép Quốc hội ban hành “Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội”, để thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới” và trong nghị quyết thí điểm này.

"Về lâu dài, đề nghị bổ sung quy định này vào Luật Nhà ở 2023 để thống nhất một đầu mối là Sở Xây dựng cấp tỉnh thực hiện toàn bộ thủ tục chấp thuận và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội, giúp rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị.

Thứ hai, để phù hợp với điều kiện đặc thù của các lực lượng vũ trang nhân dân, HoREA đề nghị cho phép Bộ Công an được chỉ định doanh nghiệp quân đội, công an hoặc doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đủ điều kiện kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang.

HoREA kiến nghị điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất để nâng cao nguồn cung căn hộ nhà ở xã hội. Ảnh: Thái Nguyễn

Thứ ba, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và nâng cao số lượng nhà ở xã hội, HoREA đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2024/NĐ-CP.

Theo đó, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại sẽ được xác định theo quy hoạch chi tiết 1/500, đồng thời cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất và quy mô dân số lên tối đa 1,5 lần so với tiêu chuẩn. Điều này sẽ giúp tăng khoảng 50% số căn hộ nhà ở xã hội trên cùng diện tích đất so với dự án nhà ở thương mại thông thường.

Thứ tư, HoREA kiến nghị bãi bỏ khoản 3 Điều 77 Nghị định 100/2024/NĐ-CP để Ngân hàng Chính sách xã hội có thể cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang cũng như cá nhân xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà để cho thuê.

Thứ năm, nhằm hỗ trợ đối tượng hộ nghèo tiếp cận nhà ở, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng trình Chính phủ quyết định giảm lãi suất vay từ 6,6%/năm xuống còn 4,7%/năm trong năm 2025 đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đề xuất công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn cũng là nhà ở xã hội

Thứ sáu, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định “trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 3% và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 6%” để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.

Thứ bảy, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 78 Nghị định 100/2024/NĐ-CP “quy định chuyển tiếp”, theo hướng cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư tại thời điểm mà chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội thì chủ đầu tư được đề xuất thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được đề xuất thực hiện theo một trong 3 phương thức. Đó là xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại; hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại; hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ mở bán trong năm 2025. Ảnh: Thái Nguyễn

Thứ tám, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận “nhà trọ cho thuê dài hạn theo tháng, theo năm” cũng là một loại nhà ở xã hội, là nhà ở riêng lẻ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho thuê, mà người thuê chủ yếu là công nhân, lao động, người nhập cư, để cho các chủ nhà trọ được hưởng chính sách “ưu đãi về tín dụng, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân”.

Thứ chín, UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong việc phối hợp công tác của các sở, ngành, quận, huyện, thành phố trực thuộc để rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, trước hết là thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” và “phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500”.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét sửa đổi tiêu chí về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Cuối cùng, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương quy hoạch và bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, cần tạo điều kiện để nhà đầu tư có thể thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng phương thức đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong thời gian tới.

Thái Nguyễn