Loạt dự báo nóng về tỷ giá USD – Có gì đáng lo?

H.Anh
16/02/2025 16:33 GMT +7
Tỷ giá USD/VND tiếp tục biến động mạnh, chạm vùng cao nhất trong nhiều năm khi tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.562 VND/USD, tăng 84 đồng so với đầu tuần. Các chuyên gia dự báo tỷ giá có thể tiếp tục chịu áp lực và có khả năng chạm mốc 26.000 VND/USD vào cuối năm.

Thị trường trong nước tiếp tục ghi nhận đà tăng mạnh của tỷ giá trung tâm trong 4 phiên liên tiếp trước khi có dấu hiệu hạ nhiệt vào phiên cuối tuần. Chốt phiên cuối tuần, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.562 VND/USD, tăng 84 đồng so với đầu tuần. Đây cũng là mức niêm yết thuộc vùng cao nhất trong nhiều năm qua của tỷ giá trung tâm.

Theo biên độ +/-5% tỷ giá trần và sàn mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.3339 – 25.790 VND/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra hiện ở mức: 23.384 - 25.740 đồng.

Tỷ giá và thị trường ngoại hối biến động mạnh trong bối cảnh chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 1,15% trong tuần, về 106,79.

Diễn biến của đồng USD trong tuần. (Nguồn: marketwatch)

Trưởng bộ phận Phân tích chiến lược thị trường (TPS) Trương Đắc Nguyên dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong năm 2025, có thể lên đến mức 26.000 VND/USD vào cuối năm, phản ánh sự biến động mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài.

Phân tích kỹ hơn, ông chỉ ra rằng một trong những tác động lớn đến tỷ giá USD/VND trong năm nay là tình hình lạm phát tại Mỹ. Cụ thể, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất hành tinh đã tăng lên 3% trong tháng 1/2025, tạo khó khăn cho kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Việc hạn chế tiến trình giảm lãi suất của FED trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và thị trường lao động vững vàng, đã giữ cho đồng USD mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, các chính sách thuế quan và cắt giảm thuế của Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tân Tổng thống Donald Trump, cũng gây ra sự không chắc chắn trong thương mại quốc tế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác mà còn làm gia tăng áp lực lên các đồng tiền quốc gia, bao gồm cả VND.  “Chính sách thuế quan có thể sẽ tiếp tục đẩy tỷ giá USD/VND lên cao, vì dòng tiền quốc tế tiếp tục đổ vào USD như một kênh đầu tư an toàn”, nhóm phân tích TPS nhận định.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm và tăng trần tỷ giá USD bán ra. Việc tăng trần tỷ giá USD cho phép NHNN có thêm công cụ để can thiệp vào thị trường sau này khi cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng.

Chúng tôi cho rằng việc tỷ giá tăng mạnh đầu năm còn gây bất ngờ với giới đầu tư khiến cho phản ứng của thị trường có phần thái quá trong các phiên ngày 12/02/2025, tuy nhiên dựa trên định hướng thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ trong năm nay của chính phủ và tình hình bất ổn về chính trị thương mại thế giới, kịch bản tỷ giá USD/VND giới hạn tới 26.000đ/USD là một kịch bản tích cực.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối nghiên cứu MBS đưa ra dự báo ngắn hạn với kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong quý I/2025.

Theo bà, thách thức lớn nhất với tỷ giá trước mắt chính là rủi ro thương chiến - yếu tố hỗ trợ đồng USD trong thời gian tới. Ở chiều ngược lại, vẫn có những yếu tố hỗ trợ tích cực cho VND như thặng dư thương mại tích cực, lượng vốn FDI giải ngân dồi dào và du lịch phục hồi mạnh mẽ…

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI thì cho rằng, rủi ro tỷ giá được chú ý, do chỉ số DXY duy trì ở mức cao, trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF (ARA metrics).

Tuy nhiên, những biến động của tỷ giá mang tính thời điểm và trường hợp DXY suy yếu trong nửa cuối năm 2025, sẽ tạo ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng.

H.Anh