Bảng lương nhân viên nấu ăn mầm non mới nhất 2024 sau cải cách tiền lương

Tào Nga Thứ ba, ngày 26/03/2024 06:47 AM (GMT+7)
Bảng lương nhân viên nấu ăn mầm non mới nhất 2024 có thay đổi sau cải cách hay không là câu hỏi và cũng là mong mỏi của nhiều người khi hiện tại mức lương đang nhận quá thấp.
Bình luận 0

Bảng lương nhân viên nấu ăn mầm non mới nhất 2024

Mới đây, Sở Nội vụ Hà Nội đã ban hành Văn bản số 4169/SNV-XDCQ về việc trả lời kiến nghị của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng các trường mầm non trên địa bàn. Theo đó, vị trí nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn cho trẻ tại các trường mầm non được quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2007 của liên Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ hướng dẫn về định mức biên chế sự nghiệp trong cơ sở giáo dục mầm non công lập, sau này là Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của liên Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Bảng lương nhân viên nấu ăn mầm non mới nhất 2024 sau cải cách tiền lương- Ảnh 1.

Nhân viên bếp ăn trường mầm non. Ảnh: AMH

Hiện nay, danh mục vị trí việc làm nhân viên nấu ăn thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ đặc thù theo ngành và lĩnh vực được quy định tại phụ lục số V ban hành kèm Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ; số lượng người làm việc được quy định tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ GDĐT là "Cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú thì được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho trẻ em. Căn cứ số lượng trẻ em, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn. Với địa bàn không có cơ sở dịch vụ cung ứng cho việc nấu ăn cho trẻ thì được thuê khoán người nấu ăn: 1 người phục vụ 50 trẻ mẫu giáo hoặc 35 trẻ nhà trẻ".

Về lương nhân viên nấu ăn mầm non hiện nay chỉ bao gồm lương cơ bản cộng với phụ cấp bán trú. 

Nhằm giúp đội ngũ nhân viên trường học tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác, Bộ GDĐT đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét lương của nhân viên trường học khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Thứ nhất, Bộ GDĐT đề nghị nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Lý do, mức 25% là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng và đây cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức đang được hưởng.

Thứ hai, khi được tuyển dụng mới, sau khi hoàn thành tập sự, nhân viên trường học được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng.

Lý do Bộ GDĐT đưa ra đề xuất này là nhân viên trường học đang hưởng lương viên chức loại B và A0; ngoài ra, viên chức giáo vụ, thiết bị thí nghiệm không phân hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ hưởng lương ở bảng lương viên chức loại A0. 

Chính vì vậy, nhân viên nấu ăn mong mỏi sẽ nằm trong nhóm nhân viên trường học được tăng thêm phụ cấp.

 Mong mỏi lương nhân viên nấu ăn mầm non tăng sau cải cách

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, hiệu trưởng một trường mầm non ở Hà Nội cho biết: "Lương nhân viên nuôi dưỡng trường học chỉ có 1 khoản lương theo hệ số, người cao nhất ở trường tôi chỉ khoảng 4 triệu đồng. Các cô phản án rất nhiều với các cấp để có thể nâng chế độ đặc thù, phụ cấp nhưng hiện vẫn chưa được cải thiện. Giáo viên thì còn có 35% đứng lớp còn nhân viên nấu ăn không có. Khi chuyển sang hệ số thì lương không bằng mức lương tối thiểu vùng.

Hiện nay các trường mầm non gặp khó khăn vì lương thấp rất khó để tuyển đội ngũ nhân viên nấu ăn. Khi không tuyển được khối lượng công việc dồn nén lại càng đè lên vai mọi người. 

Trường tôi có 8 nhân viên bếp ăn phục vụ cho 500 học sinh, có người có thâm niên đến 10 năm. Tiêu chuẩn đầu vào là có bằng trung cấp nấu ăn. Với mức lương thế này cuộc sống của nhân viên không đảm bảo. Trường tôi có một trường hợp lấy chồng muộn, chồng mất nên giờ một mình nuôi con vất vả. Những người khác thì đi từ 8-10km mỗi ngày rất nản việc. Chúng tôi vẫn động viên nhau hi vọng một ngày sẽ có chế độ tốt hơn.

Bảng lương nhân viên nấu ăn mầm non mới nhất 2024 sau cải cách tiền lương- Ảnh 3.

Nhân viên nấu ăn mong mỏi tăng thêm thu nhập. Ảnh: HN

Chúng tôi rất mong nếu như đội ngũ giáo viên được quan tâm sau cải cách tiền lương 2024 thì nhân viên nuôi dưỡng cũng cần có thêm chế độ. Đối với mầm non, rất cần đội ngũ này vì không thể thuê công ty bên ngoài hay tuyển thời vụ được để đảm bảo an toàn cho học sinh. Mặc dù hàng tháng nhà trường có thêm được khoản đóng góp bán trú nhưng phải chia đều cho nhiều người khác nữa như kế toán, giáo viên trông bán trú... nên số tiền này cũng chỉ vừa phụ cấp suất ăn trưa của các cô".

Một hiệu trưởng khác cũng cho hay, đội ngũ nấu ăn của trường ngoài tiền lương cơ bản được thêm tiền 1 triệu đồng tiền bán trú nhưng so với mặt bằng chung vẫn quá thấp. "Chúng tôi đề xuất thu tăng thiền bán trú từ 150.000-300.000 đồng/trẻ để các cô được hỗ trợ thêm", hiệu trưởng này nói.

Chị Bùi Thị Hạnh bắt đầu làm nhân viên bếp cho một trường mầm non tại huyện Phú Xuyên với mức lương khởi điểm khoảng 750.000 đồng/tháng. Đến nay, ngoài lương chị không được thêm phụ cấp gì. Công việc của đội ngũ nhân viên nhà bếp vất vả không thua kém các bộ phận khác. Mỗi sáng, đội ngũ đến từ sớm để tham gia giao nhận thực phẩm tại bếp rồi sơ chế, chế biến, phân chia thực phẩm tới các lớp cho khoảng 500 trẻ. Chị Hạnh còn hỗ trợ trẻ ăn trưa cùng giáo viên trên lớp, sau đó dọn dẹp và chuẩn bị ca chiều.

"Thấu hiểu nỗi niềm đội ngũ nhân viên bếp, lãnh đạo nhà trường đã thống nhất với các bộ phận hỗ trợ khoảng 300.000 đồng/tháng từ nguồn bán trú để có thêm thu nhập. Nhưng về lâu dài, chúng tôi vẫn mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để nhân viên bếp được hưởng phụ cấp độc hại. Vào nghề 13 năm với lương chưa tới 4 triệu đồng/tháng, tôi phải làm thêm nhiều nghề từ cấy thuê đến đan lát thủ công mây tre đan. Tôi còn nhận hàng về nhà tranh thủ làm từ 5 giờ sáng đến khoảng 7 giờ; từ 17 giờ đến khoảng 0 giờ mới nghỉ", chị Hạnh chia sẻ.

Gia đình có hai con đang tuổi ăn tuổi học, chị Hạnh phải cố gắng làm thêm đủ công việc cộng với thu nhập lái xe taxi của chồng và tằn tiện chi tiêu mới tạm đủ sống. Tại trường chị Hạnh công tác, năm vừa qua đã có 3 nhân viên bếp dù yêu nghề nhưng không thể trụ lại bởi lương quá thấp. Trong khi bộ phận y tế học đường được Bộ GDĐT đề xuất với Bộ Nội vụ sẽ xếp vào nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung; còn nhân viên bếp vẫn ở vị trí phục vụ, hỗ trợ khiến nhiều nhân viên bếp tâm tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem