Chạy 30km đưa “Bánh mướt 0 đồng” đến người gặp khó giữa dịch Covid-19

Bảo Yến Thứ bảy, ngày 21/08/2021 09:31 AM (GMT+7)
“Có người ở tận Đông Anh, Long Biên mong muốn nhận được suất bánh mướt, bọn em vẫn chạy từ Hà Đông sang để mang một vài suất ăn miễn phí” – Tuấn cười nói khi nhắc đến chuyến đi làm shipper từ thiện của mình trong chương trình “Bánh mướt 0 đồng”.
Bình luận 0

"Bánh mướt 0 đồng" ấm tình đồng hương

Một tuần nay, cứ 8 giờ sáng Trần Văn Tuấn (SN 1997, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại cùng với các bạn trẻ trong Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội tập trung tại sân chung cư Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) để chuẩn bị mang bánh mướt cho những người gặp khó khăn trong những ngày Hà Nội đang giãn cách.

Mặc xong bộ quần áo bảo hộ chống dịch, Tuấn và các bạn cùng nhau nhận danh sách những người dân đang gặp khó khăn trong mùa dịch rồi chia nhau từng khu vực đi trao. Danh sách này được thống kê cập nhật từ tối hôm trước.

Chia khu vực xong, mỗi người quay lại thùng xốp nhận đủ phần bánh mướt mang đi.

236261404_375523720603577_7071861410731950096_n.jpg

Các tình nguyện viên tập trung chuẩn bị trước giờ mang bánh đến với người gặp khó khăn. Ảnh: NVCC

Hôm nay, Tuấn nhận 21 suất bánh mang đến cho những người đã đăng ký ở Cầu Giấy, Đông Anh, Long Biên. Tay thoăn thoắt xếp những hộp bánh vào túi đựng của mình, Tuấn cười bảo: "Nay em được du lịch một vòng Hà Nội rồi! Không nhanh thì mọi người thành ăn chiều chứ không phải ăn trưa nữa".

Để đoạn đường di chuyển ngắn lại, Tuấn bắt đầu câu chuyện của mình. Trước dịch, em đi làm công nhân về điện nước, đang chuẩn bị xin vào một chỗ khác ổn định hơn thì dịch đến. Dịch làm lỡ mất cơ hội việc làm của em và trong thời gian đó, Tuấn đăng ký chạy xe công nghệ để kiếm thêm thu nhập.

acc71436fa990dc75488.jpg

Tuấn và Chuyên đang kiểm tra lại kiểm tra lại danh sách người nhận. Ảnh: BY

Tuấn có 4 anh em và là con cả trong gia đình nên em cũng tự biết rằng mình phải cố gắng rất nhiều. Mấy năm nay, bố mẹ em cũng ra Hà Nội làm công nhân, những đứa em được gửi nhờ ông bà ở quê.

Hè này, những tưởng dịch dã ổn nên nhà Tuấn quyết định đưa em ra Hà Nội chơi, nhưng, dịch đến nhanh như trở bàn tay, các Chỉ thị giãn cách rồi cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 liên tiếp được ban hành khiến các em của Tuấn cũng đang mắc kẹt ở lại không thể về quê.

"Không biết dịch có hết nhanh để mấy đứa còn kịp về học năm học mới không nữa. Cứ nghĩ cho em ra chơi cho biết Hà Nội nhưng mình lại không ngờ dịch dã ghê quá" – Tuấn thở dài nói.

Cũng vì dịch nên bố mẹ em cũng đang phải tạm nghỉ việc và công việc tạm thời của em cũng đang phải ngừng lại vì giãn cách phòng chống dịch.

Trang phục bảnh bao cho quý ông.jpg

Các tình nguyện viên chia danh sách và nhận các suất bánh. Ảnh: BY

Tuấn cho biết, em biết đến chương trình "Bánh mướt 0 đồng" khi em tham gia nhóm Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội. Khi thấy Hội đăng tuyển tình nguyện viên để chuyển những suất bánh nghĩa tình này đến với sinh viên, người lao động nghèo... chẳng nghĩ ngợi gì Tuấn liền đăng ký.

Khi được hỏi vậy tiền xăng xe, Tuấn cho biết rằng mỗi tình nguyện viên không chỉ góp sức mà tiền xăng xe của họ cũng đều tự bỏ ra hết.

"Có gì đâu ạ! Giờ ai cũng khó, giúp được ai mình giúp thôi, nhiều người còn khổ hơn mình. Các anh chị trong nhóm bọn em cũng thế, người góp công, người góp của. " – Tuần cười xuề.

Rồi em cho biết, để có bánh đúng 8 giờ sáng cho các bạn tình nguyện mang đến với người khó khăn trong mùa dịch, gia đình chị Trần Thị Chuyên (SN 1994, quê ở Yên Thành, Nghệ An) đã phải dậy từ 3-4 giờ sáng để làm bánh.

Trang phục bảnh bao cho quý ông (2).jpg

Để những suất bánh kịp giờ mang đi, gia đình Chuyên đã phải dậy từ 3h sáng chuẩn bị. Ảnh: BY

Mỗi ngày có khoảng 100 – 150 suất bánh (tức khoảng 35-40kg bánh) được mang đến với mọi người. Mỗi giờ bố mẹ và Chuyên sẽ tráng được khoảng 8kg bánh, nghĩa là họ phải ngồi làm liền tay trong vòng 4 tiếng liên tục để kịp giờ.

Tối hôm trước, họ đã phải chuẩn bị đầy đủ nước chấm và chia suất giò bò sẵn vì sợ sáng hôm sau không kịp. Khi biết đến chương trình, nhiều hàng xóm của Chuyên cũng sang phụ giúp một tay sắp xếp từng suất bánh.

Người đăng ký đã trở thành F0, F1

Khoảng 9h15, Tuấn gọi điện xác nhận với người đầu tiên để nhận quà. Suất bánh đầu tiên được gửi đến 2 mẹ con tại phố Trần Duy Hưng. Dịch dã chẳng kịp hỏi han gì nhau, Tuấn trao vội 2 suất bánh và nhận lời cảm ơn cùng lời chúc bình an của mẹ con chị rồi vội vã tìm đến địa chỉ tiếp theo.

Tại ngõ 75 đường Hồ Tùng Mậu, khu vực đang được lập chốt "Vùng xanh" an toàn giữa mùa dịch, Tuấn không thể vào đưa tận nơi nên liền gọi điện để người đăng ký ra đầu ngõ nhận bánh. Suất quà này dành tặng cho cô sinh viên vừa học vừa làm. 

Cô gái ra nhận bánh vẫn còn ngỡ ngàng vì mình được tặng quà nhiệt tình đến vậy. Biết rằng dịch đang diễn biến phức tạp nên cô gái rối rít cảm ơn nhận bánh rồi đứng cách xa hơn chờ xe Tuấn nổ máy rời đi như thay một lời chào.

85f0f87d11d2e68cbfc3.jpg

Suất bánh đầu tiên được gửi đến 2 mẹ con tại phố Trần Duy Hưng. Ảnh: BY

Trao xong ở khu vực Cầu Giấy, Mai Dịch, Xuân La, Tuấn tiếp tục chặng đường xa hơn đến với gia đình người công nhân ở Đông Anh. Địa chỉ khó tìm, dịch dã cũng hiếm người để hỏi thăm, sau mấy cuộc gọi điện, hỏi thăm cuối cùng em cũng tìm đến được địa chỉ. Cách nhau qua hàng rào ngăn, Tuấn gửi tặng vợ chồng chị công nhân 3 suất bánh rồi vội vã lên đường.

Tuấn kể, có lần em đi trao cho nhà ở Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), cuộc sống gia đình công nhân nghèo không có gì cả, trao suất bánh xong, nhóm từ thiện còn quyên góp rồi mua rau củ quả đến tặng. Cũng có những trường hợp bố mẹ đi làm rồi đưa con nhỏ ra đây, giờ dịch dã nhưng sắp vào năm học mới họ cũng chẳng có cách nào để gửi con về đi học.

Chuyến xe tiếp tục hành trình khi trong túi đồ của Tuấn còn lại mấy suất dành cho gia đình tại ngõ số 1, Phú Viên (phường Bồ Đề, Long Biên).

Khoảng 12 giờ kém, trong lúc chờ đợi người ra nhận bánh tại chốt kiểm soát dịch, Tuấn liên tục nhận được những tin nhắn thông báo từ những tình nguyên viên khác trong nhóm.

"Ôi, sáng nay có anh đi giao nhưng vì người đăng ký thành F0, F1 nên không ra nhận được rồi. Bọn em vẫn luôn nhắc mình đi thế này cũng chẳng biết thế nào nên phải bảo hộ cho mình thật tốt" – Tuấn thảng thốt nói.

e75402d6fb7f0c21556e.jpg

Tuấn nhận được thông báo về trường hợp TNV không giao được bánh vì người nhận thành F0. Ảnh: NVCC

Chưa dứt lời, người nhận là chị Trần Thị Liên (quê ở Yên Thành, Nghệ An) ra tới nơi. Chị làm công nhân cho một công ty sản xuất đồ điện dân dụng ở gần đấy, chồng chị làm lái xe. Dịch dã mọi việc đều tạm ngừng, cảnh đi thuê trọ, nuôi con nhỏ khiến cho gia đình chị kiệt quệ.

"Ở ngoài này, không đi làm được, tiền trọ và tiền ăn uống là đủ mệt rồi, giờ còn con nhỏ. Người lớn ăn thế nào cũng được nhưng con nhỏ không như vậy được." – Chị Liên chia sẻ.

7ab5f9be1011e74fbe00.jpg

 

Chị Liên nhận những hộp bánh mướt và bày tỏ sự xúc động khi biết Tuấn và các tình nguyện viên không ngại đường xa, nắng nóng mang đến cho mọi người. Ảnh: BY

Chị cho biết, từ hôm dịch tới nay chị cũng nhận được sự hỗ trợ của phường với 10kg gạo, dầu ăn, gia vị. Số tiền vợ chồng chị dành dụm, tích cóp đóng tiền học cho con cứ vậy tiêu hao dần vì những ngày tháng dịch dã không thể đi làm được. Khi biết bánh được mang từ Hà Đông sang, chị Liên xúc động nói: "Chị không nghĩ là nhà mình ở xa vậy mà các em vẫn đưa qua đâu. Cảm ơn các em nhiều lắm. Bánh này mấy đứa con chị thích lắm!"

Chuyến "du lịch" vòng quanh Hà Nội của Tuấn kết thúc khi đồng hồ bắt đầu điểm sang phút thứ 40 của buổi chiều. Điện thoại Tuấn lại vang lên tin nhắn báo cáo và lời hẹn: Ngày mai 8h có mặt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem