Báo động nắng nóng và sụt lún nghiêm trọng ở Kiên Giang

01/06/2020 06:29 GMT+7
Nắng nóng kéo dài thời gian qua làm cho tình trạng sụt lún tại các xã Minh Thuận và An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) ngày càng nghiêm trọng.
Báo động nắng nóng và sụt lún nghiêm trọng ở Kiên Giang - Ảnh 1.

Khẩn trương khắc phục tạm thời đoạn sụp lún trên tuyến đường tỉnh 965 để phục vụ đi lại cho người dân.

Theo người dân sống tại vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng, tình trạng sụp lún từng xảy ra vào năm 2016 nhưng nhẹ hơn, không khốc liệt và nguy hiểm như mùa khô năm nay. Anh Nguyễn Trí Trung (ấp Minh Tiến A, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng) chỉ chỗ sụp lún ven đường tỉnh 965 (đê bao ngoài) cho biết đoạn sụp lún này xảy ra khoảng 2 tuần trước dài 30m, sâu gần 3m và ăn vô lộ hơn 1m. “Khoảng 4 giờ chiều, tôi đang vá lú trong nhà thì nghe tiếng động lớn ngoài đường liền ngó ra xem thì thấy hàng chuối ven đường biết mất. Lúc này, tôi chạy ra xem thì phần lề lộ đã sụp sâu xuống hoàn toàn. Vị trí này ngay trước nhà nên tôi sống mà bất an lắm”- anh Trung nói.

Và gần đây nhất, cách nhà anh Trung khoảng 500m, một vụ sụp lún nghiêm trọng làm cho mặt đường tỉnh 965 sụp lún, sạt lở dài trên 50m, nơi sâu nhất hơn 2m và cắt đứt giao thông trên tuyến đường này. Anh Mạch Văn Ngoan (ở xã Minh Thuận) cho biết hôm đó anh may mắn mới thoát nạn trong vụ sụp lún này. “Lúc đó trời tối, tôi chở xe ba gác chuối chạy ngang qua. Khi xe của tôi vừa qua khỏi thì đường phía sau kêu cái ầm, mặt đường dài hàng chục mét lún sâu xuống. Rất may tôi đã chạy xe qua rồi, nếu còn trên đoạn đường này không biết giờ như thế nào nữa”- anh Ngoan kể.

Tỉnh lộ 965 là tuyến đê bao ngoài Vườn quốc gia U Minh Thượng chiều dài 60km, là tuyến giao thông bộ huyết mạch, quan trọng của vùng sản xuất kinh tế trọng điểm U Minh Thượng. Trên tuyến đường này hiện có nhiều điểm mặt đường răn nứt, đất hụt chân, hàm ếch và gần như không còn khả năng chịu lực. Người dân địa phương cho rằng nguyên nhân của sụp lún, sạt lở tuyến đường này do khô hạn quá lâu, nước dưới kênh mương cạn kiệt, trơ đáy tạo độ chênh lệch giữa mặt đường, bờ lộ và đáy kênh mương quá lớn (có nơi 2-3m), mất cân bằng tự nhiên nên dễ sụp lún và sạt lở, nhất là khi có xe tải trọng nặng vận chuyển hàng hóa lưu thông trên đường. “Tuyến đường này sạt lở, sụp lún nhiều chỗ buộc phải cấm xe tải chạy, nhưng như vậy hàng hóa, nông sản của nông dân chỉ còn vận chuyển được bằng xe máy nên tiêu thụ khó khăn, giá cả giảm thấp”- anh Trung nói.

Theo ngành chức năng huyện U Minh Thượng, qua khảo sát thực tế từ ngày 29/3 đến nay, trên tỉnh lộ 965 xuất hiện hàng chục điểm, đoạn tuyến sụp lún, sạt lở, nhiều đoạn đang có biểu hiện răn nứt có thể xảy ra sụp lún bất cứ lúc nào, nhất là khi vào mùa mưa. Bên cạnh đó, nhiều tuyến giao thông nông thôn ở 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc cũng sụp lún, có nơi giao thông bị cắt đứt hoàn toàn gây khó khăn cho người dân. Ông Nguyễn Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, cho biết do ảnh hưởng của mùa khô hạn kéo dài nên từ đầu tháng 3/2020, nước dưới kênh rạch vùng U Minh Thượng ngày càng cạn kiệt đến đáy nhưng không có nguồn nước bổ sung đã gây sụp lún, sạt lở nhiều tuyến giao thông. “Huyện đã tiến hành khảo sát đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức rào chắn, cắm biển cảnh báo những điểm, đoạn tuyến sụp lún, sạt lở và có nguy cơ sụp lún, sạt lở cao. Đồng thời tuyên truyền để người dân lưu thông qua lại tại các tuyến đường này cảnh giác với nguy cơ sụp lún, sạt lở nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông”- ông Khởi nói.

Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã giao Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang kết hợp với các ngành chức năng khảo sát địa hình, địa chất, xác định nguyên nhân gây sụp lún, sạt lở tỉnh lộ 965 và những tuyến đường giao thông khác vùng nông thôn U Minh Thượng, đề xuất giải pháp khắc phục, sửa chữa. Đồng thời, giao UBND huyện U Minh Thượng tăng cường công tác quản lý hành lang lộ giới, thủy giới, nghiêm cấm hành vi xây dựng gây ảnh hưởng đến tuyến đường; theo dõi chặt chẽ tình hình sụp lún, sạt lở kịp thời báo cáo UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang về việc hỗ trợ 100 tỉ đồng khắc phục sụt lún, sạt lở tuyến tỉnh lộ 965 chạy qua địa bàn huyện U Minh Thượng, nhằm sửa chữa tạo điều kiện cho người dân đi lại an toàn trong thời gian sớm nhất.

Vẫn chưa có giải pháp khả thi

Anh Phạm Văn Tút (ấp Minh Thành, xã Minh Thuận) cho biết: “Hiện nay, bà con nông dân vùng đệm U Minh Thượng đang thu hoạch khoai, dưa, chuối rất nhiều. Tôi có chiếc xe tải nhỏ để chở mướn mà giờ giao thông cắt đứt phải để đó. Xe tải không chạy được nên nông sản của bà con bán rất khó khăn, bị ép giá do không có thương lái thu mua. Tôi cũng như nhiều bà con ở đây rất mong Nhà nước sớm sửa chữa các tuyến đường sụp lún để giao thông thuận lợi như trước, giúp bà con mua bán nông sản dễ dàng không bị thương lái ép giá”.

Theo ông Nguyễn Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, trước mắt những công trình thuộc huyện quản lý sẽ thống kê, tính toán phương án khắc phục, gia cố để người dân đi lại thuận lợi trong mùa mưa. “Điều đáng lo nhất là hiện tượng răn nứt đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Nếu không được khảo sát, có hướng giải quyết kịp thời thì mùa mưa năm nay tình hình sụp lún sẽ còn nghiêm trọng hơn”- ông Khởi nói.

Nói về hiện tượng sụp lún tại vùng đệm U Minh Thượng thời gian qua, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng hiện tượng này do khô hạn, mực nước trong kênh hạ thấp nên đất bị khô, co ngót, giảm thể tích dẫn đến sụt lún. “Nhưng để lý giải nguyên nhân sâu xa thì khá phức tạp, đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể và cả bối cảnh lịch sử”- ThS Thiện nói.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, Vườn quốc gia U Minh Thượng là vùng bảo tồn hệ sinh thái trên nền đất than bùn, có vùng lõi khoảng 8.000ha, có hệ thống đê bao trong bao bọc vùng lõi và hệ thống đê bao ngoài bao bọc vùng đệm. Vùng đệm là vùng có nhiều hộ dân sinh sống, làm ruộng, rẫy, nhận khoán trồng và bảo vệ rừng. U Minh Thượng là một trong những mảng sót lại của dải than bùn U Minh rộng lớn trải dài qua 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Vì vậy trước đây U Minh Thượng và U Minh Hạ là một vùng than bùn liền một dải, khoảng 80.000ha. Do quá trình đào kênh, phát triển nông nghiệp từ thời Pháp thuộc đến nay chỉ còn lại 2 mảng tách rời nhau là U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau), mỗi mảng khoảng 8.000ha.

Thời gian qua, nguồn nước ngọt duy nhất của vùng U Minh là nước mưa, do lớp than bùn trước đây dày nên giữ được khá nhiều nước ngọt, cung cấp cho cả vùng xung quanh vào mùa khô. Nhưng hiện nay than bùn còn quá ít, manh mún và mỏng nên khả năng giữ nước rất kém, do đó cần thêm đê bao trong hỗ trợ để giữ nước ngọt trong vùng lõi. Trận cháy rừng U Minh Thượng tháng 3-2002 làm cho than bùn càng mỏng và manh mún hơn, sau đó một số kênh được đào thêm trong vùng lõi để chữa cháy, càng làm tăng bốc hơi, thất thoát nước. Đê bao trong của U Minh Thượng có nền là đất than bùn nên nước dễ rò rỉ ra ngoài.

“Trong những năm khô hạn cực đoan như năm nay, lượng mưa khá thấp và không có nước ngọt để bổ sung, do đó để bảo đảm không cháy rừng thì phải bơm nước từ vùng đệm ngược vào bên trong, cộng với việc sử dụng nước để tưới cho nông nghiệp ở vùng đệm làm cho mực nước trong các kênh vùng đệm bị hạ thấp so với bình thường đến vài mét. Điều này làm cho đất của bờ bao ngoài bị khô kiệt và co ngót, gây sụt lún. Giải pháp cho vùng này rất khó, nếu giữ nước quá nhiều trong nhiều năm thì lại ảnh hưởng sinh thái. Nhưng trong những năm cực đoan thì chỉ có cách dự báo sớm và tăng cường trữ nước mưa vào mùa mưa năm trước để tránh việc phải bơm nước ngược từ vùng đệm vào vùng lõi, gây thiếu nước ở vùng đệm vào mùa khô”- ThS Thiện nói.


Theo Bình Nguyên/Cần Thơ
Cùng chuyên mục