Đạm Phú Mỹ được chấp thuận tăng vốn thêm hơn 2.800 tỷ
Cụ thể, CMSC thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ; HoSE: DPM), giao HĐTV Petrovietnam quyết định phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển của PVFCCo, theo thẩm quyền và đúng quy định pháp luật, các quy chế, quy định của Petrovietnam.
Theo đó, Petrovietnam giao người đại diện phần vốn tại Đạm Phú Mỹ tổ chức triển khai phương án tăng vốn đã được thông qua. Đồng thời, quản lý và sử dụng vốn đầu tư vào các dự án đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của Đạm Phú Mỹ .
Trước đó, HĐTV Petrovietnam đã ra Nghị quyết thông qua phương án tăng vốn điều lệ của Đạm Phú Mỹ từ mức 3.914 tỷ đồng lên mức 6.800 tỷ đồng. Nguồn tăng vốn điều lệ được lấy từ Quỹ đầu tư phát triển. Thời gian thực hiện trong năm 2025.
Tại thời điểm cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu của Đạm Phú Mỹ gần 11.236 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu là 3.914 tỷ đồng, Quỹ đầu tư phát triển chiếm 4.599 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.526 tỷ đồng.
Cuối năm 2024, Đạm Phú Mỹ ghi nhận tổng tài sản gần 16.531 tỷ đồng, tăng 24,2% so đầu kỳ.
Năm 2024, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ ghi nhận 13.496 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 610,4 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,1% lên mức 14,1% nhờ vào sản lượng kinh doanh Ure đạt 898 nghìn tấn (tăng 2% so cùng kỳ). Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh sản phẩm nhập khẩu cải thiện lên 2,9%;...
Trong năm 2025, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.876 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 410 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức 15% tạm tính trên cơ sở giá khí giả định cho sản xuất Đạm Phú Mỹ.
Luật thuế VAT mới hỗ trợ doanh nghiệp phân bón
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 1,73 triệu tấn phân bón các loại, tương đương trên 709,91 triệu USD, giá trung bình 411,1 USD/tấn, tăng 11,7% về khối lượng, tăng 9,4% về kim ngạch.
Xét về thị trường, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines là 3 quốc gia nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2024.
Theo chuyên gia phân tích Phạm Thị Thanh Huyền của Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 của một số doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có thể được hỗ trợ nhờ thay đổi trong Luật thuế VAT mới, trong bối cảnh giá phân bón đi ngang và công suất đã chững lại.
Trong đó, bà Huyền nhận định, Đạm Phú Mỹ là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân đơn (ure, lân) và phân DAP sẽ hưởng lợi từ thay đổi này nhờ được hoàn thuế GTGT đầu vào.
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất phân NPK gần như không hưởng lợi do các nguyên liệu đầu vào chính là phân đơn, và việc áp thuế GTGT cho phân bón có khá ít ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/02/13/screenshot_3-1618.png)
"Trước bối cảnh công suất trong nước đã chững lại và giá phân bón không có nhiều động lực tăng rõ ràng trong năm tới, chúng tôi cho rằng việc áp thuế VAT đầu ra này sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong năm 2025", báo cáo đề cập.
Trong khi đó, Chứng khoán ACB ước tính Đạm Phú Mỹ sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào 170 tỷ đồng trong 2025 và 350 tỷ đồng trong 2026. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi thực tế sẽ còn phụ thuộc vào mức hỗ trợ giá bán giữa doanh nghiệp và người nông dân.