Bắt đầu phát hành hồ sơ đấu thầu cao tốc Bắc - Nam
Cụ thể, Các đoạn cao tốc kêu gọi nhà đầu tư gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Tổng số vốn các nhà đầu tư phải huy động cho 5 dự án này hơn 22.355 tỷ đồng.
Theo kết quả sơ tuyển, tới nay, 5 đoạn cao tốc trên đều đã được Bộ GTVT chấm có từ 2 nhà đầu tư (liên danh nhà đầu tư) vượt qua vòng sơ tuyển hồ sơ, sẽ bước vào giai đoạn đấu thầu.
Đáng chú ý, "điểm sáng" trong việc đấu thầu lần này đều có sự xuất của hàng loạt các "ông lớn" trong lĩnh vực thi công xây lắp tham gia đấu thầu như: Cienco4; Công ty CP Hạ tầng và Phát triển đô thị FECON; Vinaconex; Liên danh Đèo Cả - Hải Thạch – 194; Liên danh Cienco4 - Hòa Bình - Giao thông 18 - Phương Thành - Thuận An...
Đây đều là những nhà đầu tư có kinh nghiệm trong quá trình thi công xây lắp, tuy nhiên, việc huy động vốn cho các dự án vẫn đang là bài toán khó khi nợ xấu các dự án BOT đang có dấu hiệu tăng khiến cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đều e ngại khi đầu tư vào các dự án giao thông.
Thông tin về việc phát hành hồ sơ mời thầu, lãnh đạo Ban quản lý DA đường Hồ Chí Minh cho biết, 15h chiều ngày 21/7, đơn vị đã phát hành hồ sơ mời thầu nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, các nhà đầu tư sẽ có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, thời điểm đóng thầu vào 15h ngày 21/9/2020.
Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, giá bán một bộ hồ sơ mời thầu là 20 triệu đồng; hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thấu rộng rãi trong nước; phương thức lựa chọn nhà đầu tư được quy định là một giai đoạn hai túi hồ sơ; thời gian thực hiện hợp đồng dự án khoảng 15 năm 11 tháng 26 ngày.
Được biết, các tiêu chí đấu thầu, các nhà đầu tư qua sơ tuyển đã được đánh giá về năng lực kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong bước đấu thầu, Bộ GTVT sẽ tiến hành cập nhật lại năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Đối với tiêu chí về tài chính thương mại, Bộ GTVT sẽ sử dụng phương pháp vốn góp của Nhà nước tại các dự án để đánh giá chọn nhà đầu tư. "Nhà đầu tư nào đạt yêu cầu mới được xem xét để lựa chọn.
Trong trường hợp đấu thầu thành công, Bộ GTVT sẽ đàm phán, ký hợp đồng với các nhà đầu tư vào tháng 12/2020 để khởi công xây dựng các dự án vào đầu năm 2021, hoàn thành vào năm 2023.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: "Sau khi trải qua quá trình sơ tuyển hồ sơ, các nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ đấu thầu. Hiện nay, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời thầu chọn nhà đầu tư 5 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông bằng vốn xã hội hóa (PPP), các nhà đầu tư có 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục. Dự kiến, tháng 10 tới Bộ GTVT sẽ mở thầu, khi đó sẽ biết nhà đầu tư nào trúng thầu".
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, hiện 5 đoạn kêu gọi đầu tư BOT đều giải phóng mặt bằng đạt khoảng 80-85%, đủ điều kiện có thể khởi công ngay. Dự kiến mặt bằng sạch toàn bộ sẽ được bàn giao vào tháng 10 tới. Nếu thuận lợi, tìm được nhà đầu tư và huy động được tín dụng, các dự án có thể khởi công vào nửa đầu năm 2021.
"Dù còn một số vướng mắc, nhưng không lớn, chủ yếu phần hạ tầng kỹ thuật liên quan tới thủ tục, sẽ xong trong tháng 9 tới. Chưa bao giờ có dự án giao thông nào mà trước khi khởi công lại có mặt bằng sạch gần như toàn bộ như cao tốc Bắc - Nam", Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá.
Đánh giá về việc đầu thầu 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, trao đổi với PV, TS Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giao thông cho biết: "Việc có nhiều nhà đầu tư nội tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam là tín hiệu tốt. Rõ ràng, các nhà đầu tư Việt Nam có đủ năng lực về khảo sát, thiết kế, thi công, xây lắp, tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với họ hiện nay chính là việc tìm nguồn vốn đầu tư".
"Những nhà đầu tư Việt Nam họ rất mạnh và có kinh nghiệm về thi công, nhưng vốn lại không mạnh. Khi quá trình tham gia đấu thầu, họ sẽ phải tính toán tới việc bỏ giá thầu làm sao cho hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính khi được tổ chức tin dụng cho vay. Nếu nhà đầu tư họ vay được vốn tín dụng với lãi suất thấp thì họ sẽ bỏ được thầu thấp, còn không thì sẽ phải bỏ giá thầu cao, đây là thiệt thòi đối với những nhà đầu tư có năng lực nhưng lại yếu về tài chính" TS Nguyễn Hữu Đức nói.