Bất động sản công nghiệp đứng trước cơ hội đột phá

17/04/2019 13:02 GMT+7
Theo dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp, diện tích đất công nghiệp cần khoảng 500.000 ha. Đây là tiềm năng lớn để bất động sản công nghiệp Việt Nam bức phá.

Chất xúc tác từ ngành công nghiệp ô tô

Việc ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP đã góp phần định hình lại tương lai của cả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Các Nghị định này giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn pháp lý về mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng trong nước. Đây là đòn bẩy tạo nên lợi thế rất lớn cho thị trường sản xuất ô tô.

Ngành công nghiệp sản xuất ô tô tạo đà cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Theo một công bố của CBRE Việt Nam, nhờ có sự hỗ trợ mạnh cùng với các chính sách bảo hộ từ chính phủ các nước, ngành công nghiệp ô tô trong khu vực Đông Nam Á đạt được sự tăng trưởng rất tốt. Riêng đối với Việt Nam, thay đổi nhanh chóng về quy định, chính sách và các thỏa thuận thương mại quốc tế đã tạo ra những tác động mạnh mẽ đến thị trường công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Tại miền Bắc, các cụm nhà máy lắp ráp tạo thành một mạng lưới là nền tảng vững chắc cho ngành sản xuất ô tô. Các nhà máy của VinFast được thành lập tại Hải Phòng với quy mô 335 ha cùng số vốn đầu tư ban đầu khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ đã củng cố thêm cho nền tảng công nghiệp ô tô.

Bên cạnh đó, tại khu vực miền Trung, cụm ô tô Chu Lai – Trường Hải (Quảng Nam) với quy mô diện tích gần 600ha được THACO đầu tư với số vốn hơn 12.000 tỷ đồng cũng là một tổ hợp ô tô phức hợp gồm các nhà máy sản xuất, nhà máy lắp ráp, nhà máy công nghiệp hỗ trợ, kho bãi, cảng biển chuyên sâu.

Từ những tác động tích cực của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng như các quy định pháp luật mới, CBRE cho rằng nhu cầu mở rộng các nhà máy sản xuất, kho bãi đang gia tăng nhanh chóng. Thực tế đã cho thấy, những thỏa thuận thuê đất công nghiệp và thương mại lớn có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô đã được ghi nhận. Đây cũng là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản khai thác thêm nhiều lợi ích từ ngành công nghiệp này.

Bất động sản công nghiệp đang trở thành “cục nam châm” lớn

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà khi và logistics được đánh giá là có tiềm năng lớn. Các chuyên gia cho rằng, đây là phân khúc hấp dẫn trong năm 2019, sức hấp dẫn  này được tạo nên từ nhiều yếu tố trong đó lực đẩy từ ngành công nghiệp ô tô là rất lớn.

Bên cạnh “đòn bẩy” từ ngành công nghiệp sản xuất ô tô, năm 2019, các chủ đầu từ KCN kỳ vọng tăng trưởng nhờ hiệu ứng từ các tập đoàn thuê lớn. Với 10 năm hiện diện tại thị trường Việt Nam, Samsung, LG đã tạo nên nhu cầu thuê lớn tại phía Bắc. Lực lượng lao động cùng với sự thuận lợi tiếp cận các nhà cung ứng đã tạo nên nền tảng cho hoạt động sản xuất tại khu vực này.

Nghiên cứu của CTCK Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng, KCN phía Bắc là địa điểm ưa thích của các tập đoàn, công ty công nghệ. Giá cho thuê tại đây là khoảng 82 USD/m2/50 năm, cao hơn 13% so với khu vực phía Nam.

Theo thống kế sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2018, đã có 3.046 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp mới với vốn đầu tư đăng ký là 18 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút tổng số vốn FDI lớn nhất đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, tổng số vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Điều này chứng tỏ, năm 2019, nguồn vốn FDI sẽ còn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Là một điểm đến an toàn, có nhiều cơ sở tiềm năng để tăng trưởng và phát triển trong tương lai, Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá rất cao. Đây cũng chính là yếu tố giúp cho thị trường bất động sản công nghiệp tạo ra nhiều đột phá mới trong tương lai.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục