Bất động sản quý 1/2020: Đỏ mắt chờ các ông lớn… lao dốc
Đỏ mắt chờ các ông lớn… lao dốc
Cho đến ngày 27/4, đã có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh với những tín hiệu trái chiều. Trong khi một số đơn vị chứng kiến đà giảm sâu, thậm chí thua lỗ thì một số đơn vị khác lại báo lợi nhuận tăng vọt.
Nhưng tất cả đều là những doanh nghiệp nhỏ nên bức tranh ngành bất động sản quý 1/2020 chưa được hiện lên rõ ràng nhất. Hiện tại, tất cả các ông lớn đều chưa đưa ra những con số chính thức dù mức đi lùi ước tính ít nhiều đã lộ diện.
Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa là doanh nghiệp ngành bất động sản nói riêng và doanh nghiệp niêm yết nói chung có vốn hóa thị trường lớn nhất. Vì vậy, có thể coi Vingroup là "anh cả" ngành bất động sản. Năm 2019, Vingroup đã đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất lịch sử hoạt động của mình.
Thế nhưng, bước sang quý 1/2020, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực hoạt động của Vingroup. Theo tính toán của Vingroup, ở mảng du lịch, Covid-19 đã ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng do vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này nên Tập đoàn lỗ khoảng 3.000 tỷ.
Những mảng khác như y tế, giáo dịch, bất động sản, đua xe F1,… của Vingroup cũng bị ảnh hưởng mạnh nên con số thua lỗ có thể sẽ rất lớn. Hiện tại, Vingroup chưa công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 nên chưa rõ thiệt hại cụ thể mà Tập đoàn này phải gánh cho đại dịch Covid-19.
Cùng với Vingroup, các thành viên còn lại trong Top 5 doanh nghiệp địa ốc có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán cũng chưa hé lộ kết quả kinh doanh quý 1/2020.
Các đơn vị đó là Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) và Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex - BCM).
Cổ phiếu tăng mạnh
Bất chấp việc các ông lớn bất động sản có thể phải đối mặt với một kỳ kinh doanh lao dốc nhưng cổ phiếu của các đơn vị này vẫn tăng tốc trong tháng 4.
Trong tháng 4, VIC thậm chí có phiên tăng trần (ngày 6/4). Đóng cửa phiên giao dịch 24/4, VIC dừng ở mức 93.000 đồng/CP, tăng 9.600 đông/CP, tương đương 11,5% so với phiên cuối cùng của tháng 3/2020. Đà tăng này của VIC giúp vốn hóa thị trường Vingroup có thêm 32.810 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD).
Trong Top 5 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán, có tới 3 mã thuộc "họ VIN". Ngoài VIC, còn có VHM và VRE, hai cổ phiếu công ty con của Vingroup.
Sau khi trải qua 17 phiên của tháng 4, VHM may mắn có 2 phiên dừng trong sắc tím. Đóng cửa phiên 24/4, VHM dừng ở mức 65.000 đồng/CP sau khi tăng 10.000 đồng/CP, tương đương 18,2%. Nhờ đó, vốn hóa thị trường của Vinhomes tăng 33.495 tỷ đồng (khoảng 1,43 tỷ USD).
Trong 3 cổ phiếu "họ VIN", VRE có thị giá thấp nhất nhưng ghi nhận tốc độ tăng mạnh nhất. VRE tăng 4.850 đồng/CP, tương đương 25,3% lên 24.000 đồng/CP. VRE giúp Vincom Retail có thêm 11.295 tỷ đồng.
Trong các mảng hoạt động của Vingroup, bán lẻ là mảng "hồi sinh" đầu tiên sau đại dịch Covid-19. Hiện tại, các trung tâm thương mại đã hoạt động trở nên nhưng lượng khách hàng vẫn khá thưa thớt.
Cổ phiếu NVL có tốc độ phục hồi chậm hơn một chút khi tăng 1.100 đồng/CP, tương đương 2,1% lên 53.000 đồng/CP. Đà tăng nhẹ của NVL giúp vốn hóa thị trường Novaland tăng 1.066 tỷ đồng.
Trong Top 5 doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán, NVL chỉ đứng sau bộ ba cổ phiếu "họ VIN'. Còn đứng sau NVL là cái tên ít được nhắc đến: BCM của Becamex.
Thời qua, BCM tăng 5.200 đồng/CP, tương đương 31,3% lên 21.800 đồng/CP. Nhờ BCM, Becamex có thêm 5.382 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 1/2020 có thể đi lùi nhưng cổ phiếu của các đại gia bất động sản lại tang khá mạnh trong thời gian qua. Vì vậy, khi số liệu chính thức được công bố, cổ phiếu ngành này có thể đối mặt với áp xả hàng không hề nhỏ.
Vì vậy, hiện tại, nhà đầu tư đang đỏ mắt chờ báo cáo tài chính quý 1/2020 của những ông lớn này.