Bất ngờ với những sinh vật hơn 300 tuổi sống dưới đáy biển Bắc Cực

Lê Phương (Express) Thứ sáu, ngày 11/02/2022 11:00 AM (GMT+7)
Các nhà khoa học cho biết những sinh vật kỳ lạ "giống người ngoài hành tinh" đã hấp thụ các hóa thạch để có thể tồn tại dưới đáy biển Bắc Cực.
Bình luận 0
Bất ngờ với những sinh vật hơn 300 tuổi sống dưới đáy biển Bắc Cực - Ảnh 1.

Một số bọt biển đã hơn 300 tuổi. Ảnh: Antje Boetius

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những bọt biển Bắc Cực này đã hấp thụ các hóa thạch 3.000 năm tuổi để tồn tại. Những sinh vật này đã ăn thịt cả một hệ sinh thái thời tiền sử hóa thạch ở sâu dưới bề mặt đại dương Bắc Cực.

Đồng tác giả của nghiên cứu đầu tiên về hệ sinh thái bất thường này, Giáo sư Antje Boetius, cho biết: "Đây là một hệ sinh thái độc đáo, chúng tôi chưa từng thấy bất cứ thứ gì giống như vậy trước đây ở vùng trung tâm Bắc Cực. Cộng đồng bọt biển này rất phong phú về loài, có cả san hô mềm".

Theo Tiến sĩ Teresa Morganti từ Viện Vi sinh vật biển Max Planck, những "khu vườn bọt biển" khổng lồ này là một phần của hệ sinh thái độc đáo, chúng phát triển mạnh mẽ bên dưới đại dương phủ băng ở Bắc Cực.

Bà nói: "Chúng tôi đã tìm thấy những bọt biển khổng lồ - chúng có đường kính lên tới một mét. Đây là bằng chứng đầu tiên về việc bọt biển ăn các hóa thạch cổ đại".

Các nhà nghiên cứu đã đặt một chiếc máy ảnh bên dưới lớp băng để chụp ảnh những sinh vật bí ẩn. Trước đó, họ chưa lý giải được bằng cách nào mà những sinh vật này có thể sống sót ở độ sâu lạnh giá của đại dương, mà không có bất kỳ nguồn thức ăn nào.

Sau khi phân tích các mẫu thu thập được, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng phần nhiều trong số những bọt biển này đã hơn 300 năm tuổi.

Giáo sư Boetius, người dẫn đầu đoàn thám hiểm đến Bắc Cực, cho biết: "Nơi bọt biển thích sống có một lớp vật chất chết. Chúng tôi nhận ra rằng đây có thể là lời giải cho lý do tại sao bọt biển lại nhiều như vậy, chúng có thể khai thác chất hữu cơ từ lớp vật chất này với sự trợ giúp của các loài cộng sinh".

Phát hiện này cho thấy nhân loại còn rất nhiều điều để tìm hiểu về Trái đất, đồng thời cho biết thêm rằng có thể có nhiều dạng sống khác đang chờ được khám phá bên dưới lớp băng.

Boetius nói: "Sự sống có thể tồn tại ở bất cứ đâu, kể cả là ở những vùng biển phủ đầy băng. Mặc dù vậy, chúng ta hầu như không có công nghệ để tiếp cận, quan sát xung quanh và lập bản đồ những vị trí này".

Tiến sĩ Ana Riesgo Gil, một chuyên gia về bọt biển cho biết: "Có thể có nhiều địa điểm như thế này sẽ được tìm thấy trong tương lai. Những loại bọt biển lâu đời nhất được tìm thấy là loài Tetractinellida, chúng có nhiều nhất ở vùng biển sâu của bán cầu bắc và nam".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem