Licogi lỗ thêm 64 tỷ đồng

14/04/2020 06:22 GMT+7
Tổng công ty Licogi một lần nữa khiến nhà đầu tư lắc đầu ngao ngán khi lỗ thêm 64 tỷ đồng. Sau nhiều năm, vốn của Licogi đã bị "thổi bay" 508 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, Licogi đang trong tình trạng có 1 đồng nhưng nợ tới 10 đồng.

Mất 508 tỷ đồng vốn

Tổng Công ty Licogi có thời được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, cho tới nay, Licogi chìm trong bết bát. Những khoản thua lỗ thường xuyên xuất hiện khiến công ty chưa thể tìm được "ánh sáng cuối đường hầm". Trong lúc chờ điều kỳ diệu, nhà đầu tư một lần nữa lắc đầu ngao ngán khi Licogi lại có thêm một năm thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 mới được công bố, trong năm, Licogi lỗ thêm 64 tỷ đồng dù năm 2018 đạt lợi nhuận sau thuế 51,3 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng lỗ lũy kế của Licogi lên tới 593 tỷ đồng. Khoản lỗ này khiến vốn chủ sở hữu của Licogi "bốc hơi" 508 tỷ đồng, tương đương 56,4%.

Licogi thua lỗ khi các loại doanh thu giảm nhưng nhiều chi phí lại tăng. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 chỉ đạt 2.306 tỷ đồng, giảm so với 2.603 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 137 tỷ đồng xuống 92 tỷ đồng.

Bê bết như Licogi: Lỗ đến mất vốn, có 1 đồng, nợ 10 đồng - Ảnh 1.

Sau nhiều năm, vốn của Licogi đã bị "thổi bay" 508 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí lãi vay lại tăng tăng từ 109 tỷ đồng lên 118 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng từ 44 tỷ đồng lên 55 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp là chi phí duy nhất giảm nhẹ, giảm từ 199 tỷ đồng xuống 180 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, dù thua lỗ thảm nhưng Licogi cũng không xây dựng chính sách "thắt lưng buộc bụng" như nhiều công ty khác.

Có 1 đồng, nợ 10 đồng

Một trong những nguyên nhân khiến Licogi thua lỗ chính là chi phí lãi vay quá cao. Điều này đến từ việc Licogi đang phải gánh khoản nợ "siêu khổng lồ". Tại thời điểm 31/12/2019, tổng nợ phải trả của công ty lên đến 3.976 tỷ đồng, cao gấp 10,1 lần vốn chủ sở hữu. Điều đó có có nghĩa có 1 đồng thì Licogi nợ tới hơn 10 đồng.

Theo quy định áp dụng cho công ty nhà nước, tỷ lệ nợ/vốn không được quá 3 lần.

Điều đáng lo ngại hơn chính là phần lớn nợ của Licogi lại là nợ ngắn hạn. Nợ ngắn hạn lên đến 3.393 tỷ đồng, chiếm 85,3% tổng nợ phải trả. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (những khoản vay phải trả lãi suất) đạt 1.630 tỷ đồng.

Khoản nợ vay khổng lồ này vừa tạo nên áp lực lãi vay vừa tạo nên áp lực thanh toán. Về lãi vay, hàng năm, Licogi phải chi hơn 100 tỷ đồng cho các khoản nợ. Cìn về thanh toán, tại thời điểm cuối năm 2019, tiền và các khoản tương đương tiền của Licogi chỉ đạt 211 tỷ đồng, rất nhỏ so với 1.630 tỷ đồng tiền vay.

Còn có thể lỗ "đậm" hơn nữa?

Khoản lỗ lũy kế lên đến 593 tỷ đồng đã là con số khổng lồ. Tuy nhiên, Licogi thậm chí còn có thể lỗ đậm hơn.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Licogi, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC đã đưa rất nhiều ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Trong đó, đáng chú ý là Licogi đã ghi nhận một phần doanh thu và giá vốn của Dự án Khu đô thị Nam Ga Hạ Long và dự án Khu dân cư Licogi 17 trên cơ sở nhận tiền trước. Theo AASC cơ sở ghi nhận này chưa phù hợp với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14.

Còn ở Khu Đô thị Thịnh Liệt mới, cách ghi nhận chi phí lãi vay của Licogi cũng chưa phù hợp.

Ngoài ra, trong báo cáo tài chính, có những khoản công nợ phải thu và dự phòng phải thu khó đòi, các khoản công nợ phải trả, hàng tồn kho và tài sản cố định khác, kiểm toán viên của AASC không có cơ sở để đánh giá.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục