Bế tắc lặp lại có thể khiến đàm phán thương mại Mỹ - EU sụp đổ

18/04/2019 07:12 GMT+7
Châu Âu sẵn sàng nối lại đàm phán về một thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương với Mỹ nhưng họ có thể đã thất bại.

Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/4 đã bỏ phiếu quyết định bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ bất chấp sự phản đối từ Pháp, quốc gia bất đồng với Mỹ về biến đổi khí hậu và có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận cuối cùng.

Cecilia Malmstrom, quan chức hàng đầu về thương mại của EU, nói bà sẽ tiếp cận chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump “ngay khi họ thức giấc” để thông báo về kết quả bỏ phiếu. “Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu đàm phán với họ bất cứ khi nào”.

Tuy nhiên, sự bất đồng về nông nghiệp có thể làm chệch hướng đàm phán ngay cả khi hoạt động này chưa bắt đầu. EU cho biết sẽ không đưa nông nghiệp ra đàm phán trong khi Mỹ nhấn mạnh phải bao gồm cả lĩnh vực này.

Sự khác biệt trên phản ánh độ khó của nhiệm vụ mà các nhà thương lượng sắp đối mặt và lịch sử phức tạp của đàm phán thương mại Mỹ - EU. Nỗ lực cuối cùng cho một thỏa thuận thương mại lớn, tên gọi TTIP, đã bế tắc vào năm 2016.

“Tôi nghĩ EU sẽ khó có thể từ chối đàm phán nhưng những trở ngại cho một thỏa thuận thành công còn lớn hơn so với dưới thời tổng thống Barack Obama”, Peter Holmes, chuyên gia thương mại, giảng viên kinh tế tại Đại học Sussex, nhận định.

Sự phản đối từ Paris

Có nhiều vấn đề bị đe dọa. Giá trị thương mại hàng hóa EU - Mỹ là hơn 1.100 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu rõ lập trường của ông là châu Âu không nên đàm phán một thỏa thuận với một quốc gia không tham gia Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.

“Đó là câu hỏi về giá trị: châu Âu phải gương mẫu và kiên quyết trong bảo vệ khí hậu”, người phát ngôn của tổng thống Pháp cho biết.

Tổng thống Trump năm 2017 thông báo Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định. Ông Macron cho rằng sẽ không công bằng khi chỉ có một bên trong thỏa thuận thương mại phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Pháp ngày 15/4 bỏ phiếu phản đối đàm phán thương mại với Mỹ nhưng bất thành vì số lượng ủng hộ áp đảo.

Dù không thể ngăn đàm phán Mỹ - EU diễn ra, Pháp vẫn có thể chặn mọi thỏa thuận hai bên có thể đạt được. Theo quy định, toàn bộ thành viên EU phải cùng ký vào những thỏa thuận do liên minh này thương lượng.

“Cuộc chiến sẽ phải tiếp tục, đặc biệt là tại Nghị viện châu Âu, cơ quan sẽ phê chuẩn thỏa thuận sau đàm phán”, người phát ngôn của ông Macron nói thêm.

Vấn đề nông nghiệp

Mỹ và EU vốn đang bất đồng về việc có nên đưa nông nghiệp vào trong đàm phám thương mại hay không. EU rất bảo vệ lĩnh vực nông nghiệp được trợ giá mạnh tay của khối. Mỹ lại muốn EU hạ thuế và bán sản phẩm nông nghiệp tại châu Âu.

Đây là vấn đề mang tính cảm tính cao tại nhiều khu vực ở châu Âu, nơi các cử tri lo sợ một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ đồng nghĩa với đón nhận những nông sản biến đổi gene hoặc thịt gà được rửa bằng chlorine.

Mỹ nhấn mạnh nếu EU muốn có một thỏa thuận, họ phải đưa nông nghiệp vào bàn bạc. “Chúng tôi cũng đang thảo luận về những lĩnh vực khác với thực tế là sẽ không có bất kỳ thỏa thuận tự do thương mại nào không có nông nghiệp”, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói hồi tháng 3.

Trong khi đó, giới chức EU lập luận rằng họ chưa bao giờ đề cập đến vấn đề nông nghiệp. Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thăm Nhà Trắng năm ngoái, ông và Tổng thống Trump chỉ nhất trí hành động hướng đến xóa bỏ thuế và rào cản đối với “hàng hóa công nghiệp không phải xe hơi”.

Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo khi đó không nhắc gì đến nông nghiệp. Ngày 15/2, bà Malmstrom một lần nữa viện dẫn tuyên bố chung và khẳng định nông nghiệp sẽ không bị đưa ra thảo luận.

Căng thẳng gia tăng

Sự bất đồng trên xảy ra sau hàng loạt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU. Hồi đầu tuần trước, ông Trump dọa áp thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa EU để đáp trả việc họ trợ giá cho Airbus. Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ đáp trả .

Ông Trump còn đang cân nhắc có áp thuế lên tới 25% với phương tiện nhập khẩu từ EU, quyết định dự kiến được đưa ra vào giữa tháng 5.

Mỹ đã áp thuế với nhôm và thép của EU. EU đáp trả bằng thuế với hơn 3 tỷ USD hàng hóa Mỹ, từ môtô, nước cam, rượu bourbon, xì gà và quần jeans.

NDH
Cùng chuyên mục