Bộ trưởng "giao việc", ngành chứng khoán "vào cuộc" thế nào?
Đây là chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương với báo giới về các yếu tố tác động và những định hướng, giải pháp phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2025 và thời gian tới.
Yếu tố có thể tác động tới diễn biến TTCK Việt Nam trong năm nay
Bà Phương cho biết, TTCK luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan. Diễn biến của TTCK là phản ánh tổng hòa của các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế, sức khỏe của doanh nghiệp… qua lăng kính, niềm tin và sự kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường. Chính vì vậy, diễn biến TTCK năm nay và thời gian tới tiếp tục phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2025, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức 3,2% tương đương mức tăng của năm 2024. Trong khi đó, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sự vững vàng của kinh tế toàn cầu sẽ duy trì trong năm 2025 và năm 2026 với cùng mức tăng GDP đạt 3,3%. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo sẽ có nhiều yếu tố bất ổn và khó lường đối với kinh tế toàn cầu, bao gồm các cuộc xung đột thương mại tiềm tàng, căng thẳng địa chính trị, đồng USD mạnh lên quá mức và sự suy yếu của kinh tế một số nước.
“Chúng tôi cho rằng, những thuận lợi và thách thức của thế giới sẽ tiếp tục tác động đa chiều thời kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng”, bà Phương nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương.
Ở trong nước, với các giải pháp của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đặt ra. Cùng với đó, với giải pháp cải cách, đổi mới của Chính phủ, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện, hỗ trợ tích cực cho đà phát triển của doanh nghiệp trong năm tới. Ngoài ra, một số yếu tố nội tại mang tính kỳ vọng tâm lý của nhà đầu tư như dòng tiền ngoại tích cực hơn, triển vọng nâng hạng… cũng có thể được nhắc tới.
Vì vậy, nhìn một cách tổng thể, TTCK
trong nước năm 2025 được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn, nhờ những kỳ vọng
bứt phát từ các yếu tố mang tính nội lực của Việt Nam.
Ngành chứng khoán làm gì để thực hiện "nhiệm vụ" của Bộ trưởng Bộ Tài chính giao?
Giao nhiệm vụ cho ngành Chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh rằng, ngành Chứng khoán phải nỗ lực không ngừng từ tất cả các thành viên thị trường, từ việc cải cách cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt thu hút nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho NSNN, cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để TTCK Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Chủ tịch UBCKNN, để đạt được sự kỳ vọng của Bộ trưởng, trong thời gian tới, ngành Chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam, khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế, góp phần hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế đất nước, trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển TTCK, trong đó, tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, tạo động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững; tiếp tục triển khai các giải pháp, đáp ứng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu nâng hạng.
Thứ hai, tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sắp xếp, phân loại, mở rộng thị trường; cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường; cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư và cơ cấu lại tổ chức thị trường để mở rộng hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn.
Thứ ba, về cơ sở nhà đầu tư, sẽ tập trung chiến lược cho phát triển các NĐT có tổ chức thông qua việc mở rộng quy mô và phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư trên TTCK.
Ngoài ra, tiếp tục đồng bộ các giải pháp, phấn đấu sớm được nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi để thu hút tốt hơn sự quan tâm, tham gia đầu tư của các tổ chức nước ngoài.
Thứ tư, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chứng khoán và TTCK. Siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để TTCK phát triển minh bạch và bền vững. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường, đảm bảo thị trường vận hành an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT.
Thứ năm, tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo, nâng cao hiểu biết và kiến thức về tài chính, chứng khoán cho nhà đầu tư, hình thành được các lớp NĐT chứng khoán có nền tảng kiến thức cơ bản, kỹ năng giao dịch chuyên nghiệp, gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường.