Bí ẩn giếng cổ trăm năm tuổi người dân coi như “báu vật” ở Hà Nội

Kim Duyên Thứ ba, ngày 12/04/2022 11:56 AM (GMT+7)
Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nổi tiếng khắp cả nước bởi còn lưu giữ lại nét văn hóa của một ngôi làng Việt còn đầy đủ các yếu tố như cổng làng, cây đa, bến nước, nhà cổ và đặc biệt tại đây còn có nhiều giếng nước gắn với lịch sử lâu đời. Trong đó, nổi tiếng nhất là giếng Mắt rồng.
Bình luận 0

Làng cổ Đường Lâm xưa gồm có 9 làng thuộc tổng Cam Thịnh – Huyện Phúc Thọ – Trấn Sơn Tây. Trong đó có 5 làng liền kề nhau, mỗi làng có một cái giếng khơi quanh năm nước đầy và trong được xây bằng đá ong loại tốt nhất. Trong đó, nổi tiếng nhất là giếng Mắt rồng. 

Ông Hà Văn Dực, người dân ở làng cổ Đường Lâm cho hay, đến nay, người dân Đường Lâm vẫn luôn tự hào rằng, hiếm có ngôi làng nào ở xứ Đoài lại nhiều giếng cổ như Đường Lâm.

Bí ẩn giếng cổ trăm năm tuổi người dân coi như “báu vật” ở Hà Nội - Ảnh 1.

Gian thờ chính tại đình Mông Phụ. Ảnh: Kim Duyên

Từ bao đời nay giếng cổ tại Đường Lâm phục vụ nước sinh hoạt trong nhiều gia đình, bà con. Bên cạnh giá trị sử dụng, giếng nước còn mang ý nghĩa tâm linh như giếng cổ hàng nghìn tuổi bên đình Mông Phụ, tượng trưng cho đôi mắt rồng thiêng liêng của ngôi làng. 

Giai thoại giếng Mắt rồng

Ông Hà Văn Dực (80 tuổi), người hướng dẫn viên dày dặn tại Đường Lâm đưa chúng tôi đi tham quan Đường Lâm, kể lại những câu chuyện lịch sử gắn liền với chiếc giếng cổ nghìn năm tuổi.

Trải qua hàng nghìn năm, những chiếc giếng cổ ở làng Đường Lâm dường như còn nguyên vẹn, không phải kè thành giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng

Ông Dực kể rằng, theo tài liệu ghi lại, đời Vua Lê (1684), đình làng Mông Phụ được xây dựng và chiếc giếng cổ hàng nghìn năm tuổi ở thôn Mông Phụ cũng bắt đầu có từ đó. Chiếc giếng cổ này xây dựng ngay cạnh đình, giếng như điểm chiếu từ hai đầu mái đình có gắn đầu rồng nhìn xuống.

Bí ẩn giếng cổ trăm năm tuổi người dân coi như “báu vật” ở Hà Nội - Ảnh 3.

Giếng cổ tại đình làng Mông Phụ, Thị xã Đường Lâm, Hà Nội. Ảnh: Kim Duyên

Giếng cổ ở đình Mông Phụ vốn là giếng gạch có trát vữa, lớp vữa theo năm tháng bong tróc làm những màu gạch đá ong lấp ló giữa những mảng xanh của rêu, dương xỉ bám trên thành giếng, nhìn cổ kính.

Là người con của Đường Lâm, bà Lợi (70 tuổi) cho biết, theo các cụ ngày xưa, giếng ở bên cạnh đình làng Mông Phụ là mắt của rồng.

"Nước giếng đình quanh năm trong vắt, người làng chỉ ra giếng đình lấy nước về ăn, làm tương chứ tuyệt đối không tắm giặt", bà Lợi nói.

Về giếng cổ ở Đường Lâm ai cũng biết. Nhưng về lịch sử thì phần lớn các cụ cao niên như ôn Dực đều nắm rõ. 

Theo ông Dực, sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh, có vẻ như là một nghịch lý so với kiến trúc hiện đại, song thực ra đó lại là một dụng ý của người xưa. Khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào (nước chảy chỗ trũng) là khát vọng về một đời sống ấm no. Sau đó, nước từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình.

Bí ẩn giếng cổ trăm năm tuổi người dân coi như “báu vật” ở Hà Nội - Ảnh 4.

Bên cạnh giá trị sử dụng, giếng Mông Phụ còn mang ý nghĩa tâm linh găn với gai thoại giếng Mắt rồng. Ảnh: Kim Duyên

"Từ xa nhìn lại, trong mưa hai rãnh nước vẽ nên hai râu rồng. Chính vì khai thác tốt độ dốc nên đình Mông Phụ gắn liền với giai thoại đồng rồng và chiếc giếng bên cạnh chính là mắt rồng", cụ Dực nói về việc giếng Mắt Rồng tại thôn Mông Phụ

Giếng từng bị "thay áo mới"

Người dân Đường Lâm vẫn luôn tự hào rằng: "Đường Lâm không chỉ là một địa điểm du lịch thu hút khách tham quan trong ngoài nước. Làng cổ Đường còn được nhiều đoàn làm phim chọn làm bối cảnh chính cho bộ phim của mình".

Bí ẩn giếng cổ trăm năm tuổi người dân coi như “báu vật” ở Hà Nội - Ảnh 5.

Những chiếc giếng cổ ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Giếng thường rộng từ 3-5m, sâu trên 10m. Ảnh: Kim Duyên

Tuy nhiên, ông Phan Văn Tục – thủ từ đình Mông Phụ cho hay, vào khoảng tháng 11/2021, một đoàn phim gây bức xúc cho người dân địa phương khi tự ý tô vẽ giếng cổ trong khuôn viên ngôi đình Mông Phụ đã được xếp hạng di tích Quốc gia.

Ngay sau đó, cán bộ địa phương lập biên bản vi phạm, yêu cầu đoàn làm phim phải tạm dừng mọi hoạt động tại giếng đình Mông Phụ, không được tiếp tục quay phim ở đây và nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu.

Với người dân Đường Lâm, họ gìn giữ, coi giếng cổ này như "báu vật". Cũng bởi vậy mà bất kể một hành vi xâm hại nào tới giếng cổ người dân đều lên tiếng.

Bí ẩn giếng cổ trăm năm tuổi người dân coi như “báu vật” ở Hà Nội - Ảnh 6.

Không còn sử dụng nhưng những giếng cổ tại Đường Lâm vẫn được người dân gìn giữ và bảo tồn. Ảnh: Kim Duyên

Bà Lợi kể thêm rằng, ở đây người dân muốn đổ một xe cát cũng khó khăn, phải trình bày, xin phép. Vì vậy, khi thấy giếng cổ bị xâm hại người dân trong thôn rất bức xúc, không hài lòng.

Sau hơn 2h đồng hồ trò chuyện với các cao niên, người dân trong làng, chúng tôi hiểu được niềm tự hào của người Đường Lâm về những di sản cổ mà người xưa để lại. Việc người dân cùng chính quyền địa phương cố gắng nỗ lực gìn giữ và bảo tồn hình ảnh về làng cổ Đường Lâm sẽ càng làm tăng thêm giá trị di sản của ngôi làng việt cổ Đường Lâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem