Bị ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid nhưng doanh thu bán lẻ hàng hoá TP. HCM năm 2021 chỉ giảm 15%
Theo Cục Thống kê TP. HCM, bước qua tháng 12, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thành phố cơ bản đã được kiểm soát, các đơn vị kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, chuẩn bị hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng vào dịp mua sắm cuối năm và Tết nguyên đán sắp tới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 dự ước đạt 68.850 tỷ đồng, tăng 8% so với tháng trước và giảm 29% so với tháng cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá giảm 29,9%).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thói quen mua sắm và sức mua năm vào tháng cuối năm dự báo sẽ thấp hơn những năm trước, buộc các đơn vị kinh doanh phải linh hoạt trong các phương thức bán hàng, giá cả, mẫu mã đa dạng.

Nguồn: Cục Thống kê TP. HCM
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 12 ước đạt 43.519 tỷ đồng, tăng 8,7% so với tháng trước và giảm 17,8% so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ cả năm 2021 ước đạt 491.766 tỷ đồng, chiếm 59,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 15,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 12 ước đạt 2.999 tỷ đồng, tăng 57,9% so với tháng trước và giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động ăn uống chiếm gần 94,2% doanh thu của nhóm ngành này, tăng 59,5% so với tháng trước. Nguyên nhân đến từ việc nhiều nhà hàng tiệc cưới, cửa hàng ăn uống đã hoạt động trở lại, phục vụ khách tại chỗ và khối học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại; lượng khách bay nội địa tăng.
Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú cả năm ước đạt 41.280 tỷ đồng, chiếm 5% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 46,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, dịch vụ lưu trú tháng 12 tại thành phố cũng tăng cao với mức 35,7% so với tháng trước nhờ lượng khách đến thành phố như khám chữa bệnh, thăm người thân, vui chơi, giải trí và mua sắm tăng lên đáng kể so với tháng 11.
Hoạt động du lịch lữ hành dự ước đạt 290 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với tháng trước và giảm 56,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 22.042 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh doanh bất động sản tháng 12 tăng 1,51% so với tháng trước. Tính luôn cả năm ước đạt 2.935 tỷ đồng, chiếm 0,4%, giảm 60,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Thống kê TP. HCM
Tính chung quý IV năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 182.923 tỷ đồng, tăng 69,3% so với quý trước và giảm 35,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ước cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 822.592 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá giảm 23,7%).
Cục thống kê TP. HCM cho biết, nhìn lại bức tranh tổng thể của hoạt động thương mại dịch vụ năm 2021, doanh thu của cả ngành sụt giảm mạnh so với năm 2020, trước khi tình hình dịch Covid-19 tại thành phố diễn biến phức tạp.
Nguyên do đến từ việc các đơn vị kinh doanh thực hiện giãn cách, tạm ngưng kinh doanh để phòng chống dịch trong quý III, đặc biệt là các ngành như ăn uống, lưu trú chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, đơn vị kinh doanh lữ hành trong nhiều tháng không phát sinh doanh thu. Bên cạnh đó thu nhập người dân bị hạn chế nên nhu cầu mua sắm cũng giảm đáng kể, chủ yếu tập trung tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu.
Thế nhưng, để vượt qua khó khăn này, các đơn vị kinh doanh trong năm 2021 cũng kịp thời thích ứng với tình hình dịch bằng việc thay đổi phương thức bán hàng, đẩy mạnh hoạt động mua bán và thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt, quảng bá sản phẩm của đơn vị qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, website của doanh nghiệp, kênh truyền hình trực tuyến nhằm giảm thiểu thiệt hại doanh thu do ảnh hưởng dịch Covid-19.