Doanh số 6 tháng đầu năm của Sao Ta đạt 135,6 triệu USD, tăng 43%

L. Anh
04/07/2025 11:16 GMT +7
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) đã công bố kết quả nửa đầu năm với doanh số chung đạt 135,6 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ.

Trong nửa đầu năm 2025, Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) ghi nhận sản xuất tôm thành phẩm đạt 14.260 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm cũng tăng 37%, lên mức 11.452 tấn.

Về nông sản thành phẩm, sản lượng sản xuất đạt 554 tấn, và sản lượng tiêu thụ đạt 481 tấn, lần lượt bằng 79% và 77% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế nửa đầu năm, doanh số Sao Ta đạt 135,6 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ.

Đến nay, Công ty đang thu hoạch tôm ở các vùng nuôi FMC. Công ty thông tin rằng, hiện cũng có hợp đồng tiêu thụ ổn định, cộng với năng suất nuôi khá tốt sẽ giảm góp phần giá thành, tăng sản lượng chế biến.

Chia sẻ về mức thuế chống bán phá giá tôm (AD) kỳ xem xét hành chính thứ 19 (POR19) của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố ngày 6/06 vừa qua, mức thuế doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là Stapimex trên 35%, và Sao Ta bị “chia sẻ” cùng mức thuế trên.

Ban lãnh đạo FMC cho biết, mức thuế đó là sơ bộ chưa áp dụng. Trước đây, đã từng xảy ra tình huống tương tự (dù mức thuế thấp hơn), nhưng DOC đã chỉnh chuẩn ở mức thuế cuối cùng. Bây giờ, công việc là cần tập trung cho việc giải trình thấu đáo lên DOC.

Hơn chục năm trước, ở vụ kiện này trong lần xem xét hành chính lúc đó, Sao Ta là bị đơn bắt buộc và ở mức thuế sơ bộ cũng khá cao. Nhưng khẳng định của luật sư là do DOC soát xét, tính toán chưa đủ số liệu luật sư cung cấp. Kết quả là ở phán quyết cuối cùng DOC đã chấp nhận mức thuế thỏa đáng hơn.

“Hoàn cảnh bây giờ có khác chút. Phía chính quyền bên nguyên đơn đang như có ý chí áp đặt, như vụ thuế đối ứng nhập khẩu đang gây rối loạn kinh tế; làm gãy đổ, gián đoạn biết bao chuỗi cung ứng trên thế giới. Từ đó, liên tưởng vụ tranh chấp thuế AD thời điểm này sẽ bị đối xử chút nào đó có chủ quan”, Sao Ta nêu quan điểm.

Sao Ta hy vọng sẽ có kết quả tốt. Có nghĩa là các bên trong cuộc sẽ chung tay chia sẻ để có sức thuyết phục tốt nhất, sẽ được cấp trên hết lòng hỗ trợ mọi mặt và DOC xử lý sòng phẳng.

“Lúc đó, chúng ta tin rằng mức thuế sẽ giữ vững mức thấp nhất như hiện nay. Rồi cuối tháng này, chúng ta sẽ nhận được mức thuế nhập khẩu ổn thỏa từ phía DOC. Từ đó, chúng ta an tâm hơn cho hành trình tới, và cuối năm nay là khởi đầu POR1 vụ kiện chống trợ cấp (CVD) cũng tại thị trường này”, lãnh đạo Sao Ta nhấn mạnh thêm.

Hai kịch bản "sáng - tối" cho thuỷ sản Việt nửa cuối 2025 dưới áp lực thuế quan Mỹ

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 tăng gần 19%, nhưng triển vọng nửa cuối năm phụ thuộc nhiều vào thuế quan từ Mỹ sau ngày 9/7.

Với kịch bản tích cực, nếu thuế đối ứng được áp ở mức 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2025 có thể đạt khoảng 9,5 tỷ USD, thấp hơn 500 triệu USD so với dự báo trước đó. Trong tình huống này, các thị trường như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU được kỳ vọng sẽ hấp thụ một phần hàng hóa điều tiết từ thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, VASEP cho biết, nếu mức thuế vượt 10% và có thể lên tới 46% – theo các đánh giá sơ bộ – kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể tụt sâu xuống chỉ còn khoảng 9 tỷ USD hoặc thấp hơn.

Khi đó, Mỹ sẽ không còn là thị trường ổn định, đặc biệt đối với những mặt hàng có chuỗi cung ứng phức tạp như tôm hay cá ngừ. Đồng thời, ngành sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. 

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi rõ ràng, khả năng bù đắp từ các thị trường trung lập như Nhật Bản, EU và ASEAN cũng sẽ bị giới hạn.

Trong đó, ngành tôm đặc biệt chịu áp lực khi có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế”, gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Ngược lại, ngành cá tra có phần tích cực hơn sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt rà soát POR20, theo đó có 7 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu chính sách thuế đối ứng trong thời gian tới không quá bất lợi, đây có thể là cơ hội để cá tra Việt Nam tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều bất định, VASEP đánh giá khả năng Việt Nam bảo toàn mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2025 sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của chính sách thương mại Mỹ cũng như năng lực chuyển hướng thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước.