Bị dọa áp thuế, Australia tố Bắc Kinh phớt lờ nỗ lực xoa dịu căng thẳng

17/05/2020 15:40 GMT+7
Hôm 17/5, một quan chức cấp cao Australia cho biết đang kêu gọi Trung Quốc thảo luận thêm về các biện pháp giảm bớt căng thẳng giữa hai nền kinh tế sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19 khiến Bắc Kinh giận dữ.
Bị dọa áp thuế, Australia tố Bắc Kinh phớt lờ nỗ lực xoa dịu căng thẳng - Ảnh 1.

Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, Trung Quốc giận dữ ngừng nhập khẩu bò Úc

Bắc Kinh gần đây đã ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà chế biến thịt lớn nhất Australia sau khi chính phủ Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế mới về nguồn gốc dịch Covid-19. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt thuế quan nặng hơn với sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Australia.

Trước hàng loạt động thái phản ứng từ Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham hôm 17/5 cho hay trên kênh truyền hình quốc gia ABC rằng ông đã gửi yêu cầu thảo luận các vấn đề thương mại với người đồng cấp Trung Quốc Chung Sơn. Nhưng “yêu cầu đó đã không được phía Trung Quốc đáp ứng trong giai đoạn này”, dù “chúng tôi sẵn sàng thảo luận, ngay cả khi vấp phải những vấn đề khó khăn”. Được biết, phía Trung Quốc đã không hồi đáp trước yêu cầu điện đàm thương mại từ Australia. 

Bộ trưởng Thương mại Birmingham cũng nhấn mạnh Australia sẽ bảo lưu quyền kiện Trung Quốc ra Tổ chức thương mại Thế giới WTO nếu Bắc Kinh áp đặt thuế quan trừng phạt với sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ nước này.

Mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đã trở nên căng thẳng kể từ khi Australia tăng cường các cáo buộc về sự can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề đối nội cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng ở khu vực Thái Bình Dương. Việc chính phủ Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 trong bối cảnh làn sóng chỉ trích quốc tế hướng đến Bắc Kinh trong vụ để bùng phát dịch bệnh ngày càng tăng lên đã khiến phía Trung Quốc nổi giận. Canberra sau đó nhấn mạnh lời kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch không mang mục đích chính trị, nhưng rõ ràng điều đó không làm vơi bớt sự giận dữ của Bắc Kinh. 

Cho đến nay, toàn cầu xác nhận 4,6 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 310.000 ca tử vong trên toàn thế giới, theo dữ liệu của Reuters. Đại dịch được cho là bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc trước khi lan rộng ra 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến nhiều nền kinh tế chịu tổn thất nghiêm trọng.

Cho đến nay, Australia hiện ghi nhận 7.036 ca nhiễm Covid-19 và 98 trường hợp tử vong trên tổng số 25 triệu dân, tức thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở các khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu. Tính đến hôm 16/5, chính phủ Australia đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 trên hơn 1 triệu dân.

Khi các trường hợp nhiễm mới mỗi ngày giảm xuống mức thấp, chính phủ Australia đã bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế cách ly xã hội tại hầu hết các bang, cho phép hoạt động tụ tập nơi công cộng. Một số chính quyền địa phương thậm chí đã cho phép mở cửa các trung tâm thương mại, công viên, bãi biển, quán rượu… sau nhiều tuần tạm đóng cửa để phục vụ công tác kiểm dịch.

Cho đến nay, Australia đã thành công ngăn chặn đại dịch Covid-19 bùng phát bằng nhiều biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt, nhanh chóng như cách ly xã hội và xét nghiệm quy mô lớn. Dù vậy, nền kinh tế nước này được dự báo khó tránh những tổn thất nặng nề do hệ lụy từ dịch bệnh.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục