Bị Mỹ "đàn áp", Huawei có tìm được chỗ dựa trong ngành công nghiệp chip non trẻ của Trung Quốc?
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ Bắc Kinh để tăng cường sự tự lực trong các ngành công nghệ cao chiến lược, thì việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chip vững mạnh vẫn đòi hỏi nhiều thập kỷ nghiên cứu. Trong khi đó, Mỹ vẫn không ngừng tăng cường áp lực lên các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tháng trước, Washington đã tăng cường lệnh trừng phạt với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei bằng cách ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài. Trong đó, Mỹ yêu cầu các nhà cung ứng chip có sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cho phép nếu muốn làm ăn với Huawei. Đây được xem như đòn giáng nặng nề vào chuỗi cung ứng chip của Huawei, chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của hãng, buộc nhà cung cấp chip chính của hãng là TSMC phải ngừng nhận đơn hàng mới từ Huawei.
Ít nhất, trong ngắn hạn, Huawei sẽ không tìm được nhà cung cấp chip thay thế trong thị trường nội địa, một nhà kinh tế học giấu tên nhận định. “Quá trình phát triển ngành chip của Trung Quốc không chỉ tốn nhiều tiền bạc mà còn đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực chung của các thế hệ kỹ sư, nhà khoa học đang nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn”.
Các nhà quan sát cho hay ưu tiên trước mắt của Huawei là tận dụng tối đa thời gian ân hạn 120 ngày đến tháng 9 để dự trữ tối đa số lượng linh kiện chip cần thiết, tương tự như những gì hãng này đã làm sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 5/2019.
Eric Tseng, Giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu chip Isaiah Capital & Research (Đài Loan) nhận định: “Có nhiều dấu hiệu cho thấy Huawei đã dự trữ đủ số chip cần dùng trong sản xuất trạm gốc 5G cho đến nửa đầu năm 2021”. Ông này cũng cho biết thêm rằng trong ngắn hạn và trung hạn, có vẻ như Huawei đã chuyển nguồn cung cấp chip chính từ TSMC (Đài Loan) sang SMIC - nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu Trung Quốc để ứng phó với Bộ Quy tắc mới của Mỹ. Nhưng trong lĩnh vực sản xuất chip smartphone và chip 5G, phải khẳng định khó có sản phẩm nội địa nào bắt kịp trình độ sản xuất tiên tiến của các doanh nghiệp toàn cầu như TSMC cho đến nay.
Được thành lập năm 2000, SMIC hiện là lựa chọn tốt nhất của Huawei lúc này, khi nguồn cung chip toàn cầu bị chặn đứng. Hồi tháng 4/2020, SMIC gây xôn xao khi tặng nhân viên chiếc smartphone Honor Play 4T mới nhất của Huawei trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập doanh nghiệp, với dòng chữ nổi bật "Powered by SMIC”. Những lời này khẳng định SMIC đã sản xuất thành công chipset Kirin 710A được thiết kế bởi công ty con HiSilicon của Huawei. Ban đầu, Huawei định sản xuất con chip này tại TSMC, nhưng xung đột thương mại Mỹ - Trung và những nguy cơ cắt đứt nguồn cung chip đã khiến Huawei chuyển sang làm ăn với SMIC.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, SMIC vẫn chưa thể bắt kịp TSMC ở cả quy mô và năng lực sản xuất. TSMC hiện đã có dây chuyền sản xuất chip 990 5nm tiên tiến nhất thế giới, trong khi năng lực sản xuất của SMIC hiện vẫn chỉ dừng ở chip 12nm cách hai thế hệ. Quý I/2020. SMIC báo cáo doanh thu 905 triệu USD trong khi doanh thu TSMC lên tới 10,31 tỷ USD.
Thêm một rủi ro lớn hơn từ SMIC, là công ty này sử dụng dây chuyền sản xuất chip của Mỹ, do đó buộc phải tuân theo những Bộ Quy tắc nghiêm ngặt của chính phủ Mỹ. Hồi tháng trước, trong bản cáo bạch, SMIC đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ không thể sử dụng thiết bị và công nghệ Mỹ để sản xuất chip cho một số khách hàng tiềm năng nếu không có sự cho phép của Mỹ. CEO SMIC Zhao Haijun cũng khẳng định công ty hoàn toàn cam kết tuân thủ tất cả các quy định của Mỹ. Đây rõ ràng là một rủi ro lớn với ngành sản xuất chip Trung Quốc nói chung và nguồn cung chip của Huawei nói riêng.
Unisoc, một cơ quan thiết kế chip thuộc Thanh Hoa Group hiện cũng là một trong những nhà cung cấp nội địa tiềm năng, nhưng các dòng chip của hãng hiện nay chưa đủ để chạy trên các smartphone thế hệ mới của Huawei.
Thomas Husson, nhà phân tích của Forrester nhận định: “Cho đến hiện tại, Huawei không có lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thiết kế chip… Rất có thể, Huawei sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các đối tác nội địa như SMIC hoặc Unisoc. Dù SMIC hiện là nhà sản xuất chip tiên tiến nhất Trung Quốc nhưng khả năng sản xuất chip của nó vẫn chỉ đang dừng lại ở con chip 14nm, kém xa các xưởng đúc chip hàng đầu thế giới của TSMC, nơi đang sản xuất dòng chip 7 nm và chuẩn bị sản xuất thử nghiệm dòng chip 3 nm thế hệ mới nhất”.