Huawei kêu gọi các nhà cung cấp sản xuất chip tại Trung Quốc: không phải cứ muốn là được!

10/06/2020 16:51 GMT+7
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đang nỗ lực bắt kịp mục tiêu dịch chuyển phần lớn chuỗi cung ứng chip về quê nhà Trung Quốc trong bối cảnh sức ép từ Washington ngày càng gây ra nhiều ảnh hưởng.
Huawei muốn nội địa hóa nguồn cung chip nhưng làm có dễ như nói? - Ảnh 1.

Dưới sức ép của Trump, nỗ lực nội địa hóa nguồn cung chip của Huawei gặp khó

Nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đang nỗ lực để dịch chuyển chuỗi cung ứng chip về nước khi phải đối mặt với cuộc “đàn áp” nguồn cung từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự dịch chuyển này giúp Huawei giảm thiểu tác động của các động thái gây sức ép từ Mỹ đến các nhà cung cấp, đối tác của hãng tại thị trường nước ngoài.

Cụ thể, Huawei đang yêu cầu các nhà cung cấp chip liên quan thực hiện các bước thử nghiệm, đóng gói chip - những bước cuối cùng trong các khâu sản xuất linh kiện bán dẫn - ngay tại Trung Quốc vào cuối năm nay. Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, Huawei đã đưa ra yêu cầu tương tự với các nhà sản xuất bảng mạch gắn chip.

Hồi năm ngoái, trong động thái dịch chuyển chuỗi cung ứng về nước, Huawei cũng đã tìm đến các nhà cung cấp nội địa như công ty chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp mới nếu họ có năng lực sản xuất, nhà máy sản xuất tại Trung Quốc.

Những nỗ lực dịch chuyển đang trở nên gấp rút hơn sau khi Bộ Thương mại Mỹ mới đây ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, trong đó yêu cầu các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Mỹ cho phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Động thái này nhằm chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei, buộc nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC, đối tác lâu năm của Huawei phải ngừng nhận đơn hàng mới từ công ty Trung Quốc.

Nhưng các nhà quan sát nhận định việc dịch chuyển dây chuyền cung ứng về nước của Huawei đang gặp phải những thách thức lớn do hàng loạt bất ổn kinh tế trên toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Một CEO giấu tên trong ngành cho hay: “Một số nhà cung cấp chip và nhà sản xuất bảng mạch in đã giúp Huawei mở rộng công suất sản xuất tại Trung Quốc trong năm qua, bao gồm thử nghiệm và đóng gói chip tại Trung Quốc. Nhưng không phải tất cả các đối tác của Huawei đều đáp lại lời kêu gọi của hãng…. Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nhu cầu và các động thái gây áp lực mạnh mẽ của Mỹ với Huawei đang làm yếu đi động lực dịch chuyển của các nhà cung cấp.”

Một CEO điều hành chuỗi cung ứng khác nhận định: “Có những nhà cung cấp cần đáp ứng yêu cầu của các đối tác ở Mỹ để đặt nhà máy sản xuất bên ngoài Trung Quốc vì lý do an ninh, do đó họ không chọn mở rộng công suất sản xuất tại Trung Quốc”.

Một ý kiến thứ ba nhận định: “Chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và đan xen như một củ hành lớn. Huawei có thể gọt vỏ, bóc tách một số lớp hành tây đầu tiên và thuyết phục họ chuyển đến Trung Quốc, hoặc tìm đến các nhà cung ứng nội địa thay thế. Nhưng khi thực sự chạm đến những lớp bên trong, vấn đề thuyết phục họ dịch chuyển đến Trung Quốc là một thử thách thực sự”.

Một số nhà quan sát cũng cho biết chiến dịch “đàn áp” Huawei của chính quyền Trump có thể đạt được một số thành công nhất định trong bối cảnh các nhà cung cấp cân nhắc những bất ổn chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu chip để ngừng các kế hoạch dịch chuyển như Huawei mong đợi.

Nhà nghiên cứu Gartner, một chuyên gia trong ngành chip cho hay năm ngoái, Huawei đã nhập khẩu 20,8 tỷ USD giá trị chip, bao gồm cả các con chip do chính công ty con HiSilicon của hãng thiết kế và thuê sản xuất tại nước ngoài. Huawei hiện là nhà nhập khẩu chip lớn thứ 3 thế giới sau Apple và Samsung.

Hiện nay, việc sản xuất chip hầu hết được thực hiện bên ngoài Trung Quốc, tại các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhiều nhà cung cấp tại Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhận được yêu cầu từ Huawei về việc phân bổ sản xuất nhiều hơn tại thị trường Trung Quốc nội địa.

Bên cạnh việc nội địa hóa sản xuất, Huawei cũng điều động hàng trăm kỹ sư đến các nhà máy sản xuất chip hạng hai trong nước như công ty Công nghệ Điện tử Giang Tô Trường Giang (JCET), nhà sản xuất chip hỗn hợp Hạ Môn Sanan… để giúp họ cải thiện trình độ nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip nước ngoài.

"Huawei đã điều động hơn 100 nhân viên kỹ thuật đến JCET, nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip hàng đầu của Trung Quốc trong gần một năm ... nhưng thực tế là tiến trình này không mấy suôn sẻ” - một nguồn tin của Nikkei Asian Review cho hay.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục