Bị nghi vấn các ngân hàng "giấu" nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì ?

08/06/2022 21:54 GMT+7
Chiều 8/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nợ xấu được đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn tới Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vào chiều ngày 8/6, đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn Đắk Lắk bày tỏ lo ngại về vấn đề gia tăng nợ xấu do tác động của đại dịch Covid-19. Đại biểu đề nghị Thống đốc chia sẻ những giải pháp của ngành ngân hàng để kiểm soát nợ xấu.

Tương tự, đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cũng đặt vấn đề, ngay cả khi Nghị quyết 42 còn hiệu lực việc xử lý nợ xấu có lúc vẫn còn khó khăn, đặc biệt trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid- 19.

Đại biểu đề nghị Thống đốc làm rõ trách nhiệm tham mưu của Ngân hàng Nhà nước về những giải pháp mang tính tổng thể và lâu dài để tiến trình xử lý nợ xấu được thúc đẩy nhanh hơn?

Đại biểu cũng cho hay, có ý kiến cho rằng, có tình trạng các tổ chức tín dụng chưa báo cáo hết nợ xấu, không công khai con số thực do lo ngại mất thương hiệu của tổ chức tín dụng. Với vai trò quản lý của ngành, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết có hay không tình trạng trên và nếu có việc thanh tra, giám sát và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì trước nghi vấn "giấu" nợ xấu của các ngân hàng? - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: QH)

Giải đáp chất vấn của các đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết 42, với sự quan tâm của Quốc hội nợ xấu lẽ ra được đưa về dưới mức 3% vào năm 2020 nhưng 2020, 2021 nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19. Do đó, nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng.

Trước khó khăn của doanh nghiệp và người dân, nếu để nợ xấu gia tăng, bản thân doanh nghiệp và người dân sẽ khó có thể tiếp cận được các khoản vay mới. Chính vì vậy ngay trong tháng 3/2020 Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư cho phép các doanh nghiệp và người dân thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Ngay từ khi ban hành Thông tư, Ngân hàng Nhà nước đã có một sự chủ động trong quy định ở Thông tư. Đó là yêu cầu các tổ chức tín dụng đưa một lộ trình để trích lập dự phòng rủi ro đối với những khoản nợ được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, để khi nợ xấu phát sinh, TCTD cũng có nguồn lực tài chính để xử lý.

Trong chỉ đạo điều hành hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong điều kiện như vậy nhưng cho vay phải đảm bảo chặt chẽ và không hạ chuẩn. Bởi vì, trên thực tế chúng ta đã chứng kiến những cuộc khủng hoảng do cho vay hạ chuẩn. Việc khi cho vay phải kiểm soát chặt chẽ thì có tác động để hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói gì trước nghi vấn "giấu" nợ xấu của các ngân hàng? - Ảnh 2.

Tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu sai, không đúng qua thanh tra, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm. (Ảnh: TN)

Ngoài ra, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định Nghị quyết này rất có hiệu quả với xử lý nợ xấu, nếu không được kéo dài thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng.

Nếu sửa Nghị quyết 42 thì cần nhiều thời gian đánh giá tác động của việc sửa đổi các chính sách này, nên Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Quốc hội kéo dài toàn bộ, trong thời gian Nghị quyết ra hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, các ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham mưu cách thức xử lý nợ xấu.

Trả lời đại biểu Vương Thị Hương về việc các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu không đúng, che giấu nợ xấu, Thống đốc cho biết, đối với các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu sai, không đúng qua thanh tra, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm. Cũng theo chia sẻ của Thống đốc, ngành ngân hàng đã triển khai hệ thống thông tin tín dụng.

"Đây là công cụ tốt để các tổ chức tín dụng kiểm tra khách hàng xem có các khoản nợ ở ngân hàng khác như thế nào, từ đó đánh giá nợ xấu", Thống đốc nêu.

PVKT
Cùng chuyên mục