Xử lý nợ xấu: "Không thể cứ trông chờ vào các biện pháp "bao cấp" của Nhà nước"
Báo cáo tổng kết của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho thấy, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021 toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 70% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và bằng 47,9% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 tại thời điểm ngày 1/12/2021,đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng (trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực chỉ đạt khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng)
Đồng ý kéo dài Nghị quyết 42, tiến tới cần luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu
Dẫn số liệu, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hoá) cho rằng số kể trên khẳng định rõ hiệu quả từ các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu.
Cùng với đó, Nghị quyết 42 đã tạo cơ chế xử lý hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Hơn nữa, sau khi Nghị quyết 42 ban hành có hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, một số quy định tại Nghị quyết 42 đã được các tổ chức tín dụng, VAMC áp dụng có hiệu quả trên thực tế.
Điều đặc biệt quan trọng, cùng với ngành ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan từ khi nghị quyết có hiệu lực.
Cũng theo đại biểu Mẫn, kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, sự tác động bất lợi do tình hình dịch bệnh Covid - 19 bùng phát toàn cầu thời gian qua sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều này sẽ dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu sẽ có khả năng gia tăng trong thời gian tới. Từ đó, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cần tiếp tục duy trì các biện pháp giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.
Xuất phát từ những lý do nêu trên, đại biểu thống nhất cao chủ trương Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại kỳ họp này để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước trong thời hạn kéo dài thực hiện nghị quyết cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, đề xuất luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hệ lụy khi kéo dài Nghị quyết 42
Cá nhân đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cũng đồng tình với việc tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42 trong một thời nhất định. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá thật kỹ tất cả những tác động, cả thuận lẫn nghịch của cơ chế này.
"Chúng ta đều biết rằng là bất kỳ một phương thuốc nào dù có công dụng đến mấy cũng luôn luôn để lại tác dụng phụ", đại biểu nhấn mạnh.
Liên hệ với Nghị quyết 42, theo đại biểu Long, cơ chế xử lý theo Nghị quyết 42 là phương thức rất hiệu quả và đã được chứng minh qua thực tế. Tuy nhiên, cần phải đánh giá hệ lụy của "cơ chế đặc thù" này.
Đại biểu Long nói: Trong bất kỳ một nền kinh tế nào, khi có nợ tăng cao đe dọa đến nền kinh tế và gây bất ổn thì Nhà nước đều phải can thiệp. Tuy nhiên, quá trình này luôn luôn gắn liền với việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và đây là một cuộc thanh lọc rất gắt gao, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại phục hồi được, có hiệu quả thì tồn tại, còn không có sẽ bị thải loại.
Còn chúng ta thì sao?
Theo đại biểu Nguyễn Công Long, chúng ta cũng đang áp dụng những cơ chế rất đặc biệt để xử lý nợ xấu. Nhưng điều đại biểu băn khoăn đó là, phải chăng cơ chế này đang tạo ra một thứ bao cấp cho một hoạt động đối với thị trường tín dụng và đối với hệ thống tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại.
"Nếu các cơ chế này kéo dài, tôi e rằng sẽ tạo ra sự ỷ lại cũng như tạo ra một tâm lý cho các ngân hàng thương mại rằng kinh doanh là có lãi, có hiệu quả thì hưởng, còn lỗ, nợ thì đã có Nhà nước lo. Đây là một điều chúng tôi rất lo ngại", đại biểu Long nói.
Cũng theo vị đại biểu này, phương thức để xử lý nợ xấu phải tạo ra là yếu tố tự thân cho tất cả các tổ chức tín dụng và qua đó phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, không thể nào cứ trông chờ mãi vào các biện pháp "bao cấp" của Nhà nước như trong thời gian qua.