Bí quyết của một nhà vườn trồng nhãn muộn luôn thắng đậm
Khu vườn của anh Thân Văn Quý ở xóm Mịn To, xã Trù Hựu (Lục Ngạn, Bắc Giang) mùa này ai đến cũng mê bởi lúc lỉu quả mà vẫn đều chằng chặn về kích cỡ, màu sắc, bởi có thể ăn thử bất kỳ cây nào mình thích mà gia chủ vẫn xởi lởi, vô tư.
Cứ mỗi mùa người nông dân này thường thu hoạch được 17-20 tấn quả/ha, tùy năm giá nhãn đắt hay rẻ mà tương đương 400- 500 triệu đồng trong đó phần lãi khoảng hơn 1/2…
Chăm nhãn hơn chăm con
Huyện Lục Ngạn là vựa vải thiều của miền Bắc với diện tích lên tới 15.300 ha nhưng khoảng 10 năm gần đây đã bắt đầu chuyển đổi sang trồng nhãn để đa dạng hóa sản phẩm cây ăn quả, giảm áp lực tiêu thụ.
Hiện toàn huyện có khoảng 1.000 ha nhãn các loại từ nhãn lồng Hưng Yên truyền thống, nhãn Miền Thiết, nhãn muộn Hà Tây và một số giống nhãn địa phương, tập trung trồng tại các xã Trù Hựu, Giáp Sơn, Kiên Thành, Thanh Hải…
Trong các giống nhãn được người dân ưa chuộng, trồng nhiều nhất là nhãn muộn Miền Thiết gốc gác từ Hưng Yên. Xã Trù Hựu là nơi mà mọi người đánh giá là năng suất nhất, chất lượng top đầu của huyện, trong đó vườn nhà anh Thân Văn Quý là một ví dụ điển hình.
Khác với một số người chỉ giữ bí quyết cho riêng mình, anh lại sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn cho người khác. Dưới đây là tóm tắt của một phần bí quyết ấy. Cây nhãn có hai đợt lộc chính là lộc ra sau khi thu hoạch quả và lộc ra vào mùa đông.
Quan trọng nhất đối với nhà vườn là phải biết cách điều tiết lộc đông sao cho nó ra hết, ra thành công. Muốn vậy phải có kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước kết hợp hài hòa với nhau.
Đợi đến giữa tháng 11 anh Quý phun chất điều hòa sinh trưởng để “ủ mầm”, 25 ngày sau thì tưới nước đánh thức mầm ngủ để “hẹn” cho cây vào cuối tháng giêng phải nẩy lộc, đơm hoa. Nghe anh giới thiệu sơ qua thì tưởng dễ nhưng nhiều nhà vườn áp dụng lại thất bại bởi không thực sự chú tâm vào học tập.
Thủa ban đầu anh Quý dùng phân đơn nhưng sau đó thấy lúc thì bón thừa khi lại bón thiếu thành phần này, thành phần kia khiến cây không chỉ sinh trưởng kém, quả không ngon mà đất đai còn chai đi trông thấy.
Thời gian gần đây anh đã mạnh dạn áp dụng phân bón NPK Lâm Thao hàm lượng cao với 3 loại là NPK-S 16.16.8-6; NPK-S16.8.16-4; NPK-S13.13.13-4 theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Phân bón và Dinh dưỡng Cây trồng thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa.
Người trồng nhãn nói riêng hay trồng cây ăn quả nói chung thường lâm vào tình trạng năm được mùa năm mất mùa bởi thói quen “tiếc của” thấy năm nay hoa ra sai quá, quả đậu nhiều quá thì cứ để thế không vặt bớt thành ra cây kiệt sức, đến vụ sau không ra hoặc chỉ ra hoa, đậu quả lác đác. Hơn thế nữa còn thiếu cách chăm sóc cho cây phục hồi sau thu khi thu hoạch.
Trước đây anh Quý cũng vậy. Bởi thế mà trong vườn nhà anh có một số gốc nhãn yếu quá, tưởng đã phải cưa bỏ. Thế nhưng nhờ cán bộ kỹ thuật chỉ cho cách khơi rãnh xung quanh cho thông thoáng đất giúp không bị hỏng bộ rễ rồi bón phân NPK-S Lâm Thao vào cây theo liều lượng vừa đủ, cây lại hồi sinh.
Cũng nhờ cây khỏe hơn, lá xanh hơn, chùm quả đẹp hơn nên anh ít phải dùng đến thuốc sâu hay chế phẩm so với trước: “Mọi khi riêng thuốc nấm tôi đã phải phun 7 lần mỗi năm, thuốc sâu 1 tháng phun 2 lần nhưng nay thuốc nấm chỉ phun 3 lần, thuốc sâu 1 tháng phun 1 lần là đủ”. Cũng theo kinh nghiệm của anh Quý vào mùa mưa nhiều không nên bón phân, phần bởi lãng phí, phần bởi sẽ gây ra hiện tượng đen rễ, hại cây.
Phân được chia ra, bón làm 3 lần. Lần thứ nhất vào giữa tháng 8 phục hồi cây đuổi lộc thu tháng 9. Lần thứ hai vào giữa tháng 3 giúp ra hoa rộ, đón quả. Lần thứ ba vào cuối tháng 5 cho giai đoạn nuôi thúc quả.
Cách bón tốt nhất theo khuyến cáo là xới đất theo tán cây, rắc đều phân xuống rồi lấp đất lại nhưng do không đủ nhân công để làm việc này nên anh Quý mới đi rắc phân xung quanh gốc rồi tưới nước để dinh dưỡng ngấm xuống đất dần dần.
“Nếu so sánh với bón các loại phân đơn như lân, đạm, kali mất hơn 100.000đ/gốc thì loại phân Lâm Thao mới này tôi chỉ tốn 60-70.000đ/gốc mà trung bình mỗi gốc vẫn cho thu 1-1,5 tạ quả. Hơn thế chất lượng quả còn cao hơn hẳn”, anh nói.
Năm ngoái có 6 công thức bón phân được các nhà khoa học thử nghiệm trên vườn nhà anh Quý nhưng ổn nhất là công thức số 4 với khả năng đậu quả cao, chùm đều, quả mọng, màu sắc sáng, ăn ngọt, thơm, nước vừa phải. Điều này có thể cảm nhận rõ bằng cả thị giác lẫn vị giác một cách khách quan và dễ dàng.
Ngộ nhận mà các nhà vườn thường hay mắc phải
Vườn có 300 cây nhãn, ngoài 120 gốc bón loại phân NPK-S hàm lượng cao của Lâm Thao anh Quý còn thử 180 gốc bón phân theo kiểu cũ, tức phân đơn riêng rẽ gồm đạm, lân, kali tự phối trộn.
Cùng một giống nhãn Miền Thiết, cùng một độ tuổi cây 17-18 năm, cùng một tiểu vùng khí hậu như nhau nhưng điều thú vị với đoàn chúng tôi khi ăn thử là thấy khác biệt rõ từ độ ngọt đến mùi vị, cảm giác như là hai giống vậy ở hai cách chăm bón.
Ai đã trót ăn quả ở cây bón theo kiểu mới là hầu như không muốn thử sang loại quả ở cây bón theo kiểu cũ nữa.
Giải thích điều kỳ lạ này, Tiến sĩ Cao Kỳ Sơn-Trung tâm Nghiên cứu Phân bón và Dinh dưỡng Cây trồng cho biết, bà con trồng nhãn thường hay mắc lỗi bón quá nhiều phân nhưng lại thiếu cân đối khi lắm đạm, ít lân, ít kali khiến cho cây giống như người béo phì mà lại vẫn suy dinh dưỡng vậy, thường cho nhiều lá mà lại ít quả, có quả nhưng mã cũng không đẹp, ăn cũng không ngon.
Hơn thế, nông dân cũng hay giữ thói quen cố hữu là bón trên bề mặt, vừa dễ bị rửa trôi vừa dễ bay hơi mất chất dinh dưỡng. Thêm vào đó thời điểm bón cũng chưa được hợp lý khi bón trước cả khi thu hoạch 1 tuần trong khi đáng ra phải bón sau khi thu hoạch. Điều đặc biệt lưu ý là bón đạm kiểu trên sẽ dẫn tới hiện tượng tồn dư nitrat có thể gây ra các bệnh cho người tiêu dùng khi sử dụng quả.
Nhãn Lục Ngạn đang được mở rộng áp dụng theo quy trình VietGAP để cho chất lượng quả nhãn sạch và thơm ngon hơn. Hiện quả nhãn ở nơi đây được người tiêu dùng ở thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thành khác đánh giá cao. Nhãn Lục Ngạn cũng nằm trong danh mục 30 sản phẩm nông sản tiềm năng của tỉnh Bắc Giang mới phê duyệt.