Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Dự án Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng và rất cấp bách

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 05/07/2022 10:41 AM (GMT+7)
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đường Vành đai 4 góp phần tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bình luận 0
Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Dự án vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng và rất cấp bách - Ảnh 1.

HĐND TP.Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 7 khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Sáng 5/7, HĐND TP.Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 7 khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp diễn ra trong 3,5 ngày, bế mạc vào trưa 8/7.

Mở rộng không gian phát triển Thủ đô

Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

"Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô. Tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường", Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Dự án vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng và rất cấp bách - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp.

Theo Bí thư Hà Nội, Vành đai 4 còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Dự án này có ý nghĩa không chỉ với Hà Nội và các tỉnh có đường vành đai đi qua mà còn thúc đẩy phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Ông Dũng cho biết Hà Nội đã họp bàn về kế hoạch triển khai dự án, thành lập ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể để đạt tiến độ từ giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện quy định hai bên tuyến đường bảo đảm phù hợp quy hoạch và khai thác được quỹ đất, kết nối giao thông...

Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, người đứng đầu Đảng bộ thành phố cho biết, kinh tế của Hà Nội phục hồi mạnh mẽ và duy trì đà tăng trưởng, GRDP quý II tăng 9,49%, cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 176.900 tỷ đồng, bằng 56,8% so với dự toán, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thành phố cũng đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi phòng chống dịch bệnh Covid-19, chi cho công tác an sinh xã hội.

Đồng thời, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 2,3 lần so với cùng kỳ.

Nhiều dự án vi phạm "ôm đất chậm triển khai"

Dù đạt được nhiều kết quả, Bí thư Hà Nội cho rằng nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay ở Thủ đô chưa được khắc phục triệt để, như ùn tắc giảo thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững.

Một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt/cụm công nghiệp/làng nghề chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn còn nhiều bất cập. 

Việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm…

Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Dự án vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng và rất cấp bách - Ảnh 3.

Tình trạng rác thải ùn ứ, bốc mùi hôi thối năm nào cũng xảy ra trên đường phố Hà Nội.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, triển khai Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm 15 thành viên, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban chỉ đạo.

Đồng thời, chỉ đạo hoàn chỉnh để ban hành quy chế làm việc, quyết định phân công nhiệm vụ, quy trình về kiểm tra, giám sát, chương trình công tác 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo… để nhanh chóng, kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng theo ông Đinh Tiến Dũng, kỳ họp lần này sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng, là cơ chế chính sách để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.

Cạnh đó, thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là cơ hội để thành phố được tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri và nhân dân Thủ đô, từ đó đưa ra những giải pháp tích cực, phù hợp, thích ứng trong tình hình mới.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong phiên khai mạc sáng 5/7, bên cạnh các báo cáo của UBND và HĐND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội sẽ thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và đưa ra kiến nghị.

Buổi chiều, HĐND Hà Nội thảo luận tổ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của thành phố; cùng nhiều nội dung khác.

Trong chương trình kỳ họp, HĐND Hà Nội cho biết sẽ dành một ngày (7/7) để chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng và những vấn đề dân sinh bức xúc được đại biểu và người dân quan tâm.

Do kỳ họp lần này khuyết chức danh Chủ tịch UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, tổ chức và điều hành hoạt động liên quan đến ủy ban.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem