Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh có "xắn tay áo" lên để giải phóng mặt bằng không?

PVCT Thứ năm, ngày 02/07/2020 10:28 AM (GMT+7)
Phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng nêu dẫn chứng về một tờ báo có bài viết "Giải ngân không được bởi vì giải phóng mặt bằng". Sau đó Thủ tướng đặt vấn đề, như vậy Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh có phải "xắn tay áo" lên để giải phóng mặt bằng không?
Bình luận 0

Sáng nay (2/7) Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ đã nêu các vấn đề để Hội nghị cần tập trung thảo luận.

Theo Thủ tướng, khác với các nước, dư địa về tài khoá và tiền tệ của chúng ta khá lớn. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh khó khăn, việc duy trì chính sách tài khoá và tiền tệ chặt chẽ, thận trọng có phải là bước đi đúng, phù hợp không, trong khi nhiều nước giảm lãi suất xuống còn 0% hoặc âm, "bơm" một lượng tiền lớn vào thị trường. Các nước G20 đã "bơm" tới 6.000 tỷ USD, tăng thâm hụt ngân sách lên 15-20% để kích thích tăng trưởng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh có "xắn tay áo" lên để giải phóng mặt bằng không - Ảnh 1.

Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị Chính phủ với các địa phương (ảnh VGP).

Theo Thủ tướng, tăng trưởng là vấn đề rất quan trọng của nước ta. Cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là cần giải pháp, chính sách cụ thể gì, mức độ thế nào cho phù hợp.

"Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các Bộ trưởng phải chỉ đạo tốt hơn, nhất là các địa phương cần hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp (DN). Các tập đoàn lớn của nhà nước, các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã… đều cần môi trường tốt để phát triển thông qua chính sách động viên của chính quyền và chính sách tài khoá, tiền tệ khác của nhà nước", Thủ tướng nói.

Về giải ngân vốn đầu tư công, hiện chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Kết quả giải ngân mới đạt 33%, giải ngân vốn ODA rất thấp. "Chúng ta có gần 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD, nếu giải ngân tốt thì đây là biện pháp kích cầu hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021", Thủ tướng cho biết. 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương kiến nghị các giải pháp, chế tài cụ thể… để bảo đảm giải ngân hết số vốn này. 

"Vừa rồi, Bộ Chính trị, Quốc hội cũng đồng ý nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA thì Thủ tướng có quyền điều chuyển từ ngành này, địa phương này sang ngành khác, địa phương khác khi họ có điều kiện giải ngân, không cần đưa ra Quốc hội", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cho biết, vừa qua Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiểm tra tình hình giải ngân ở TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, kết quả giải ngân thấp. Thủ tướng nêu dẫn chứng khi một tờ báo có bài viết "Giải ngân không được bởi vì giải phóng mặt bằng".

Từ đó Thủ tướng đặt vấn đề, như vậy thì Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh có phải "xắn tay áo" lên để giải phóng mặt bằng không?

 "Khi các đồng chí đề nghị dự án thì rất quyết liệt, nhưng gặp giải phóng mặt bằng thì các đồng chí giao cấp dưới, không quan tâm. Tôi nói thật chỗ này, tôi biết hết chỗ này. Tại sao nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng khi rất nhiều địa phương lại giải ngân rất chậm, lần này phải có chế tài mạnh", người đứng đầu Chính phủ nói.

Theo Thủ tướng, trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, chúng ta phải có biện pháp cụ thể gì để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Các bộ, ngành, địa phương đề xuất giải pháp kích cầu nội địa, mở rộng xuất khẩu. 100 triệu dân trong nước là thị trường tiêu thụ quan trọng.

"Càng khó khăn, chúng ta càng cần tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cắt giảm chi phí cho người dân và DN. Đề nghị các bộ, ngành địa phương đề xuất kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật nào, cắt giảm thủ tục hành chính nào, cần cơ chế khuyến khích nào mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, cần bàn giải pháp để thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI, phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương.

"Thủ tướng, Chính phủ hoan nghênh cộng đồng DN năng động, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, liên kết chặt chẽ nỗ lực vượt khó. Tuy nhiên chúng ta thấy cố gắng của DN chưa đủ mà chính chính quyền phải ra tay hỗ trợ. Tôi hoan nghênh các địa phương có chương trình thu hút mạnh đầu tư", Thủ tướng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem