Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam: Kinh tế Quảng Nam hiện đạt hơn 5 tỷ USD, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố
Đó là nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết tại "Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào" dành cho 10 tỉnh biên giới Việt Nam - Lào.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ, là vùng đất được lịch sử ghi nhận trên con đường khai mở về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt.
Hiện nay, Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 15 huyện với 241 xã, phường, thị trấn. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh trên 10.500km2, có 73,4% diện tích tự nhiên là miền núi; trong đó, có 6 huyện miền núi cao, gồm huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang. Có đường bờ biển dài 125 km. Dân số toàn tỉnh khoảng 1,84 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 140.000 người với các dân tộc anh em cùng sinh sống, như Cơ-Tu, Xơ-Đăng, Giẻ-Triêng, Cor và M'nông...
Quảng Nam có tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Sê Kông, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, dài trên 157 km, với 60 cột mốc và 7 cọc dấu thuộc 2 huyện Nam Giang và Tây Giang, với 14 xã, 71 thôn, 6.527 hộ, 25.077 khẩu, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng.
"Sau hơn 27 năm tái lập, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông nằm trong nhóm các tỉnh nghèo nhất nước, đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương từ năm 2017.
Quy mô kinh tế hiện đạt hơn 5 tỷ USD, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đang có sự phát triển đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, một số mục tiêu, chỉ tiêu có sự phát triển bứt phá; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, đô thị phát triển theo hướng văn minh và hiện đại; nông thôn phát triển đạt các tiêu chí nông thôn mới...", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thông tin.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, công tác quản lý biên giới trên đất liền luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) đã thực hiện hiệu quả mô hình "kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới".
Đến nay, có 35 thôn/10 xã biên giới thuộc 2 huyện Tây Giang và Nam Giang kết nghĩa với 16 bản/3 cụm bản của huyện Kà Lừm và Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông. Mô hình này có ý nghĩa và đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt; trong đó, kết quả nổi bật là tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên được giữ vững. Thông qua hoạt động giao lưu nhân dân đặc biệt này, cộng đồng dân cư hai bên biên giới không chỉ có cơ hội xây dựng, củng cố mối quan hệ gần gũi, thân thuộc mà còn có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nổi lên một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Thời gian qua, Quảng Nam đã quan tâm tạo điều kiện để nhân dân các bản biên giới của tỉnh Sê Kông sang khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tại huyện Tây Giang và Nam Giang.
Về giao thông, hiện nay, Quốc lộ 14D từ Bến Giằng lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh Quảng Nam mong muốn Trung ương quan tâm đầu tư tuyến đường này để thúc đẩy hợp tác, vận chuyển hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư giữa hai bên, tạo cơ hội để doanh nghiệp của hai tỉnh sang đầu tư, kinh doanh.
"Trong thời gian đến, Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý biên giới trên đất liền, xây dựng đường biên giới hòa bình - hữu nghị với tỉnh Sê Kông, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, góp phần cùng với cả nước giữ vững bờ cõi, biên cương mà cha ông các thế hệ đã dày công xây dựng.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân hai huyện biên giới Nam Giang và Tây Giang…", Bí thư Quảng Nam nhấn mạnh.