BIDV lãi trước thuế trên 15.500 tỷ đồng nửa đầu năm

31/07/2024 09:49 GMT+7
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, BIDV ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 14.837 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, BIDV cũng ghi nhận các khoản lãi khác ghi nhận kết quả tích cực, chẳng hạn như: lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gần 16%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng hơn gấp đôi; lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu từ tăng 1.665%;...

Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng nhẹ 5,3%, từ hơn 6.373 tỷ lên hơn 6.708 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng 36,2%, từ 3.932 tỷ lên hơn 5.357 tỷ đồng.

Cuối cùng, dù tăng chi phí dự phòng rủi ro nhưng BIDV vẫn báo lãi trước và sau thuế đạt 8.158 tỷ và hơn 6.533 tỷ đồng, cả 2 đều tăng hơn 17% so với quý II/2023.

BIDV là "ông lớn" đầu tiên trong nhóm ngân hàng quốc doanh công bố kết quả kinh doanh quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2024.

BIDV lãi trước thuế trên 15.500 tỷ đồng nửa đầu năm- Ảnh 1.

(nguồn: BCTC các năm, tổng hợp: PT)

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, BIDV ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 28.379 tỷ đồng, tăng 3,3% so với nửa đầu năm trước. BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 9.746 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Cuối cùng, lãi trước thuế đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12%

BIDV lãi trước thuế trên 15.500 tỷ đồng nửa đầu năm- Ảnh 2.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản hợp nhất đạt trên 2,52 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường.

Huy động vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Đến 30/6/2024, huy động vốn từ tổ chức và dân cư đạt trên 2,01 triệu tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng tốt ở phân khúc bán lẻ, góp phần gia tăng tính ổn định của nền vốn.

Hoạt động tín dụng ghi nhận mức tăng khá so với bình quân ngành ngân hàng, dư nợ tín dụng tăng 5,9% so với đầu năm, trong đó lượng vốn cung ứng ra thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 105 nghìn tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt ở nhóm khách hàng cá nhân (9,1%) và khách hàng doanh nghiệp nước ngoài (8,5%).

Chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN thời điểm 30/6/2024 kiểm soát theo định hướng (≤1,4%). BIDV thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Các chỉ tiêu về an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định của Nhà nước.

Lãnh đạo BIDV cho biết, nhận thức được xu hướng tất yếu của thực hành ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, BIDV đang xây dựng Chiến lược tổng thể thực hành ESG và ban hành chương trình hành động cụ thể triển khai tới các cấp thừa hành để đạt được các mục tiêu chiến lược, hướng tới mục tiêu quốc gia thực hiện phát thải ròng bằng không (net zero).

Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình hệ thống, điều hành hoạt động kinh doanh theo hướng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung gia tăng các nguồn thu phi lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, tối đa hóa các nguồn thu và kiểm soát chi phí.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục