Biểu quyết điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính của Hà Nội: Gần 7.000 người về quận mới

PVCT Thứ ba, ngày 27/04/2021 10:34 AM (GMT+7)
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và TP.Hà Nội.
Bình luận 0

Sáng ngày 27/4, tại phiên họp thứ 55, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và TP Hà Nội.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thành Trà cho hay, tỉnh Thanh Hoá đề nghị thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quý Lộc và xã Yên Lâm thuộc huyện Yên Định.

Biểu quyết điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính của Hà Nội: Hơn 6.000 người về quận mới - Ảnh 1.

Phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Tại tỉnh Đồng Nai thành lập thị trấn Long Giao trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ.

Còn tỉnh Tuyên Quang, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tỉnh này đề nghị điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên (90,91 km2), dân số (7.842 người) của xã Phúc Sơn và toàn bộ diện tích tự nhiên (41,67 km2), dân số (6.757 người) của xã Minh Quang thuộc huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình quản lý.

Cùng với đó, điều chỉnh 0,58 km2 diện tích tự nhiên, 923 người của xã Lang Quán và 2,29 km2 diện tích tự nhiên, 1.788 người của xã Tứ Quận về xã Thắng Quân quản lý.

Tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị thành lập 2 thị trấn. Theo đó, thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Lăng Can và thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn trên cơ sở 29,21 km2 diện tích tự nhiên, 22.041 người của xã Thắng Quân (sau khi điều chỉnh và đổi tên đơn vị hành chính).

Với TP. Hà Nội thì điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của 08 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân của phường Nghĩa Tân (gồm các tổ: 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh là 10,32 ha, 6.096 người.

Đồng thời, điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 của phường Mai Dịch đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh là 1,86 ha; 703 người.

Riêng Tổ dân phố Hoàng 4 của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (trước đây là thôn Hoàng 4 của xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) nằm giữa các tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy thì giữ nguyên hiện trạng.

Theo báo cáo của TP.Hà Nội, cử tri trên địa bàn không đồng thuận với phương án điều chỉnh thêm cả phần tổ dân phố Hoàng 4 về địa giới hành chính của phường Nghĩa Tân vì cư dân sinh sống tại đây là dân cư gốc đã sinh sống lâu đời, ổn định, có mối liên hệ văn hóa, nguồn gốc, truyền thống tại địa phương.

Nguyện vọng của dân cư gốc của Tổ dân phố Hoàng 4 đề xuất không điều chỉnh địa giới khu vực mình về phường Nghĩa Tân là phù hợp nguyện vọng của nhân dân trong khu vực và vẫn đảm bảo với quy định về địa giới hành chính.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ tán thành với đề xuất của các tỉnh, TP để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, cũng như đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật cũng tán thành với tờ trình của Chính phủ."Việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đơn vị hành chính của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và TP. Hà Nội theo các Tờ trình của Chính phủ là cần thiết, đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị được đề nghị thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính đều đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định", Chủ nhiêm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói.

Sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, các ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và TP.Hà Nội.

Các nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian để kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu, giấy tờ của công dân, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới và không làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cũng trong sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới để mở rộng TP Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem