Bình Định: Nhặt thứ cả làng vứt đi, ai ngờ mang về lại bán kiếm bộn tiền

Mỹ Hậu (Cổng TTĐT Hội LHPN tỉnh Bình Định) Chủ nhật, ngày 24/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Trong một chuyến công tác, tôi có dịp về thăm cơ sở sản xuất bàn chải dừa Hữu Phát của chị Lê Thị Mến, thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định). Chị Mến là một hội viên phụ nữ trẻ, năng động, sáng tạo với mô hình sản xuất các sản phẩm từ xơ dừa - mô hình mới nhưng rất hiệu quả hiện nay
Bình luận 0
Trong những năm qua, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ khởi nghiệp thành công.

Một trong những điển hình tiêu biểu, đó là chị Lê Thị Mến, sinh năm 1990 - Chủ cơ sở sản xuất bàn chải dừa Hữu Phát, ở thôn Năng An, xã Ân Tín.

Bình Định: Một nông dân kiếm bộn tiền từ thứ cả làng vứt đi - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất bàn chải dừa của chị Lê Thị Mến, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Qua lời kể của chị, chúng tôi được biết, chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông, kinh tế của gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và nuôi ít con heo, con gà, cuộc sống hết sức khó khăn, vất vả. 

Đặc biệt càng khó khăn hơn khi chị lập gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng, trong khi bản thân mình và chồng chưa có nghề nghiệp ổn định, rồi lại sinh con, cuộc sống với bao bộn bề, lo toan, vất vả.

Với sức trẻ và nghị lực, quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo khổ, chị đã quyết tâm tìm hướng khởi nghiệp ngay chính trên quê hương của mình.

Năm 2014, qua tìm hiểu, định hướng về khởi nghiệp, phát triển kinh tế của chính quyền, Hội LHPN huyện Hoài Ân, xã Ân Tín (tỉnh Bình Định) và tìm hiểu trên các thông tin mạng xã hội, đặc biệt là tìm hiểu cơ sở sản xuất bót dừa ở miền Nam.

Chị đã quyết định khởi nghiệp với nghề sản xuất bàn chải dừa, vì nhận thấy việc làm này rất phù hợp với thực tế tại địa phương. Cây dừa được trồng khá phổ biến ở khắp nơi trên địa bàn của huyện Hoài Ân và của tỉnh Bình Định.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới sử dụng phần nước, cơm dừa, các phần còn lại, đặc biệt là xơ dừa bị vứt bỏ hoặc làm chất đốt rất lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

Bước đầu vào nghề, với số tiền ít ỏi dành dụm của hai vợ chồng không đủ để đầu tư, vợ chồng chị đã quyết định vay mượn thêm của họ hàng và được Hội LHPN xã tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư xây dựng cơ sở rộng 100 m2 và mua máy móc, dụng cụ để sản xuất với tổng kinh phí 250 triệu đồng.

 

Cơ sở sản xuất bàn chải dừa của chị Lê Thị Mến, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.


Khi mới khởi nghiệp, chị gặp không ít khó khăn, thách thức, sản phẩm làm ra chưa thật sự bắt mắt, chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng do máy móc còn quá thô sơ, kỹ thuật thủ công và bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm.


Tuy nhiên, với lòng quyết tâm và niềm đam mê, chị đã không nản lòng, chùn bước, chị đã lặn lội vào các cơ sở ở miền Nam để nghiên cứu, học hỏi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. 


Sau khi trở về, với những kiến thức, kinh nghiệm đã được học hỏi, chị đã mạnh dạn đầu tư mua những máy móc hiện đại hơn như: máy tuốt chỉ xơ dừa, bình hơi, súng bắn hơi thay những công cụ thô sơ, thủ công trước đây để rút ngắn thời gian, quy trình sản xuất


Việc này nhằm tạo ra những sản phẩm đẹp, đảm bảo chất lượng; đồng thời, chị tiếp tục khai thác khách hàng để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm. 


Ngoài ra, tận dụng nguyên vật liệu phế thải trong quá trình sản xuất, chị đã sản xuất ra cám dừa để bán cho nhân dân trong và ngoài huyện dùng để bón phân cho cây trồng, nhằm góp phần tái tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình canh tác.

 

Cơ sở của chị ngày càng đi vào hoạt động có hiệu quả, chất lượng sản phẩm được nâng lên, được khách hàng, các công ty mỹ nghệ ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng ký kết hợp đồng. 


Hiện nay, trung bình một tháng, cơ sở tiêu thụ 170.000.000 bàn chải dừa, 300 bao cám dừa. Nhiều khi cơ sở “cháy hàng” vì nhu cầu khách hàng ngày càng nhiều và nhiều lúc cơ sở khan hiếm nguyên vật liệu để sản xuất.

 

Thành phẩm bàn chải dừa từ cơ sở sản xuất tại cơ sở chế biến xơ dừa của gia đình chị Mến ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

 

Với lượng sản xuất như vậy thì đầu ra như thế đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình chị với 300 triệu đồng/năm; cuộc sống của gia đình chị đã ổn định, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang hơn và mua sắm đầy đủ các tiện nghi trong gia đình; gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

 

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Mến còn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ đến những hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm cho 15 lao động làm việc tại cơ sở với mức lương từ 3- 5 triệu đồng/người/tháng. 


Ngoài ra, chị Mến tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động do Hội LHPN, địa phương tổ chức; đồng thời, chị còn là thành viên của câu lạc bộ “Phụ nữ khởi nghiệp và nữ doanh nhân” huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Nhiều năm liền được Ban Thường vụ Hội LHPN huyện, xã biểu dương, khen thưởng.

 

Chị Lê Thị Mến cho biết: “Trong thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống máy móc, cải tiến sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng. Để thực hiện được điều đó, rất mong nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn vay và kiến thức kinh doanh, marketting để xây dựng cơ sở phát triển hơn nữa”.

 

Với tinh thần vượt khó, ý chí và nghị lực, cộng với sức trẻ, niềm đam mê của mình, chị Lê Thị Mến đã khởi nghiệp thành công. Chị là một trong những gương điển hình tiêu biểu tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến do Hội LHPN huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định tổ chức trong thời gian đến. Đây là một bông hoa đẹp trong vườn hoa “Người tốt, việc tốt” của phụ nữ huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem