Bình Dương: Có thêm thành phố thứ tư hiện đại, văn minh, giàu đẹp

Trần Khánh Thứ tư, ngày 15/02/2023 13:07 PM (GMT+7)
Nối gót TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, thị xã Tân Uyên đã trở thành thành phố. Đây là thành phố thứ tư trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Bình luận 0

Thay áo mới để lên thành phố Tân Uyên

Nghị quyết thành lập thành phố Tân Uyên trực thuộc tỉnh Bình Dương đã được Quốc hội thông qua, và có hiệu lực từ ngày 10/4. Từ chuẩn đô thị loại 3 (năm 2018), thị xã Tây Uyên tích cực điều chỉnh quy hoạch, khai thác nguồn lực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao để nâng cấp lên thành phố.

Hiện tại, Tây Uyên đã đạt 5/5 tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội.

TX.Tây Uyên là 1 trong 9 đô thị trong hệ thống đô thị của tỉnh Bình Dương, có diện tích tự nhiên hơn 191,76km2 với 12 xã, phường. Ảnh: T.L

Thị xã Tây Uyên là 1 trong 9 đô thị trong hệ thống đô thị của tỉnh Bình Dương, có diện tích tự nhiên hơn 191,76km2 với 12 xã, phường. Ảnh: T.L

Ông Trần Văn Lân, người dân sống ở phường Tân Phước Khánh cho biết, từ một địa phương phát triển bằng nông nghiệp, đến nay, Tân Uyên đã khác khi công nghiệp, dịch vụ, và nhất là đô thị phát triển nhanh.

Những năm qua, hạ tầng giao thông thị xã Tân Uyên đã được nâng cấp với nhiều tuyến đường nhựa, thông thoáng. Các con hẻm cũng được người dân đóng góp mở rộng, khang trang, sạch đẹp.

"Khi Tân Uyên lên thành phố, chắc chắn gương mặt đô thị sẽ có nhiều đổi mới hơn nữa nên người dân rất vui mừng", ông Lân nói.

Ông Nguyễn Tấn Thy, Chủ tịch UBND phường Phú Chánh kể, đã có nhiều cá nhân mạnh dạn hiến đất và góp công để thực hiện những các công trình giao thông. Công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn phường gặp nhiều thuận lợi vì đa số người dân mong muốn độ thị phát triển nhanh.

Những năm qua, Phú Chánh đầu tư nhiều công trình. Nhiều khu dân cư được tư nhân đầu tư nhằm thu hút người dân đến sinh sống. Phường Phú Chánh có 3 trường học, đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Một góc TX.Tây Uyên. Ảnh: T.L

Một góc thị xã chuẩn bị lên thành phố Tân Uyên. Ảnh: T.L

Theo ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, chương trình phát triển đô thị thị xã Tân Uyên giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những chương trình đột phá khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 12 của thị xã Tân Uyên.

Việc thị xã Tây Uyên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh là bước đệm vững chắc để địa phương đạt chuẩn đô thị loại 2 trước năm 2025, góp phần quan trọng để tỉnh Bình Dương thực hiện nâng cấp đô thị theo đúng lộ trình đề ra.

Ông Tươi cho biết, mỗi năm, thị xã Tân Uyên xây dựng một chuyên đề riêng. Năm 2023, thị xã Tân Uyên đưa ra chuyên đề lập lại trật tự quản lý đô thị. Thị xã Tân Uyên cũng kêu gọi xã hội hóa, thực hiện bê tông hóa các tuyến đường ngõ, hẻm. Các ngõ, hẻm đã có bê tông rồi phải đầu tư hệ thống chiếu sáng.

Gắn liền với tiêu chí đô thị loại 2 là phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng an sinh xã hội một cách đồng bộ mà Tân Uyên phải đạt được trong năm 2023 này. "Cho đến nay, thị xã Tan Uyên đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 2. Thế nhưng, chúng tôi vẫn muốn làm sao có một đô thị khang trang hơn, sạch sẽ hơn", ông Tươi nói.

Thành phố Tân Uyên sẽ là trung tâm công nghiệp, dịch vụ mới

Nhờ lợi thế nằm liền kề thành phố mới Bình Dương, Tân Uyên thừa hưởng nền tảng hạ tầng hiện đại, kết nối nội tỉnh, liên vùng thuận tiện. Vì vậy, Tân Uyên được xác định là đô thị, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển xã hội của tỉnh và vùng lân cận.

Khu công nghiệp VISIP II tại TX.Tây Uyên, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Khu công nghiệp VISIP II tại TX.Tây Uyên, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Thị xã Tân Uyên có vị trí nối liền TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An. Mạng lưới liên kết vùng ở Tân Uyên đang hoàn thiện đến TP.HCM, TP.Biên Hòa qua các tuyến giao thông huyết mạch, như: Cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13, ĐT743, ĐT746.

Song hành với đầu tư hạ tầng giao thông, Tân Uyên cũng thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghiệp. Hiện tại, thị xã Tân Uyên đang sở hữu 2 dự án khu công nghiệp VISIP lớn nhất Bình Dương và cả nước.

Trong đó, khu công nghiệp VISIP II có quy mô 2.045ha. Và mới đây nhất là Khu công nghiệp VISIP III quy mô hơn 1.000ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng. Riêng VISIP III hiện đã có khoảng 67 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất.

Ông Prepen Elnef – Chủ tịch Tập đoàn Lego chia sẻ lý do Tập đoàn đầu tư vào Khu công nghiệp VISIP III tại TX.Tây Uyên, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Ông Prepen Elnef, Chủ tịch Tập đoàn Lego chia sẻ, lý do Tập đoàn đầu tư vào Khu công nghiệp VISIP III tại thị xã Tây Uyên, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức động thổ dự án xây dựng nhà máy tại VISIP III với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Đan Mạch vào Việt Nam từ trước tới nay.

Ông Prepen Elnef, Chủ tịch Tập đoàn Lego cho biết: "Lego đã khởi động dự án từ năm 2022. Năm 2023 sẽ là năm bản lề mở ra một chặng đường hợp tác, gắn kết cùng nhau phát triển dài lâu giữa Lego với Bình Dương".

Từ các khu công nghiệp trọng điểm, thị xã Tân Uyên trở thành điểm đến để thu hút nguồn vốn FDI, cùng với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư và lực lượng lao động dồi dào. Từ đây, việc sinh sống và làm việc tại chỗ đòi hỏi nhu cầu lớn về nhà ở, thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển mạnh mẽ.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở Bình Dương giai đoạn 2021- 2025, toàn tỉnh sẽ dành ra 1.600ha đất cho các dự án. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 130.000 tỷ đồng.

Trong đó, Tân Uyên là địa phương đứng đầu khi cần đến 274ha, vốn đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở mới, nhà ở xã hội. Tân Uyên phấn đấu đến năm 2023 phải đạt được 26,5% mật độ xây dựng.

Khu nhà ở Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên. Ảnh: Trần Khánh

Khu nhà ở Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Bí thư thường trực Thị ủy Tân Uyên cho biết, việc hoàn thành đề án thành lập thành phố Tân Uyên là điểm sáng nổi bật từ chính sách thông thoáng, mở đường cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong đó, lĩnh vực xây dựng, chỉnh trang và nâng cấp đô thị được tập trung thực hiện theo đúng lộ trình. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thị xã trở thành thành phố Tân Uyên.

Ông Trí cho biết thêm, Tân Uyên cũng đang xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, gắn liền xây dựng mô hình điểm làng thông minh ở xã Bạch Đằng.

Tân Uyên đang xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, gắn liền xây dựng mô hình điểm Làng thông minh ở xã Bạch Đằng. Ảnh: Trần Khánh

Tân Uyên đang xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, gắn liền xây dựng mô hình điểm làng thông minh ở xã Bạch Đằng. Ảnh: Trần Khánh

Năm 2023, Tân Uyên thực hiện 23 chỉ tiêu; phấn đấu cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 62,31% - 36,6% - 1,09%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12%, giá trị thương mại dịch vụ tăng 22%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2%. Lĩnh vực văn hóa xã hội phấn đấu 7 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Nhiệm vụ đề ra đang được Tân Uyên triển khai nhanh chóng ngay từ đầu năm, ưu tiên thu hút và bố trí các dự án đầu tư phù hợp theo định hướng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội để thực hiện đề án nâng cấp thị xã lên đô thị loại 2.

"Đồng thời, Tân Uyên đẩy nhanh tiến độ khởi công các công trình giao thông kết nối, tạo động lực để phát triển đồng bộ, đưa đô thị Tây Uyên phát triển năng động trong giai đoạn mới", ông Trí chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem