"Cuộc chơi" tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng: Đâu là điểm hấp dẫn đối với Vietcombank, MB, HDBank và VPBank?
Hiện có 3 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bị kiểm soát đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương (OceanBank). Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bắt buộc tái cơ cấu.
"Cuộc chơi" tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng: Cơ chế, chính sách phù hợp và hấp dẫn
Thừa nhận rằng, xét về góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không "thiết tha" với việc tham gia hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng, ngân hàng yếu kém, bởi theo ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), về mặt năng lực tài chính và năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng. Trong khi đó, các ngân hàng 0 đồng bị chuyển giao bắt buộc hiện nay đều bị lỗ lũy kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ.
Tuy nhiên, trường hợp của VPBank hơi "đặc biệt" – theo ông Dũng. Điểm đặc biệt đó là, với sự tham gia của SMBC, VPBank có nền tảng vốn lớn và trong chiến lược của VPBank, tăng trưởng quy mô rất quan trọng. Với việc tham gia vào tái cơ cấu, góc độ tài chính, VPBank không được lợi gì nhưng VPBank nhưng sẽ có được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Bên cạnh đó, hiện tại nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tham gia vào VPBank. Khi tham gia tái cơ cấu, VPBank sẽ được mở room nước ngoài. Ông Dũng cho hay, ông không loại trừ việc nhà đầu tư nước ngoài muốn nâng room sở hữu tại VPBank và room cao hơn 30% là điều kiện quan trọng cùng với tăng trưởng tín dụng cao, giúp VPBank tiếp tục nâng quy mô của ngân hàng.
"Các cơ chế và chính sách khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng phù hợp và hấp dẫn với VPBank. Bên cạnh đó, nếu tham gia tái cơ cấu giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam tốt hơn, mà chúng ta lại có năng lực để làm thì tại sao chúng ta lại không đóng góp?", ông Dũng nhấn mạnh.
Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), vấn đề này cũng "nóng" tại ĐHĐCĐ. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Ngân hàng nhận được lời đề nghị từ phía Ngân hàng Nhà nước từ cách đây 5 -6 năm, đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc. HDBank là một trong 4 ngân hàng được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá có hoạt động lành mạnh và năng lực tài chính tốt và được lựa chọn để tham gia đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
Bà Thảo cũng bày tỏ, việc nhận nhiệm vụ này thể hiện trách nhiệm của HDBank. Điều đáng nói, khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, hàng năm HDBank sẽ có được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhờ chính sách ưu đãi. Đây là cơ hội bứt phá, chiếm lĩnh thị trường và giúp HDBank hiện thực hóa "tham vọng" trở thành một trong những ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.
Chuyển giao ngân hàng yếu kém sẽ được thực hiện ngay trong năm 2024
MB là đơn vị đầu tiên lấy ý kiến cổ đông về phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng yếu kém từ năm 2022. Đến năm 2023, lãnh đạo ngân hàng này cho biết ngân hàng đã chuẩn bị, xây dựng, báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo quy định và triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại đó.
Tại ĐHĐCĐ năm nay, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đánh giá, việc nhận chuyển giao bắt buộc là cơ hội giúp mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng và nâng cao năng lực quản trị. Chủ tịch MB cũng khẳng định, ngân hàng đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao, chỉ còn chờ Chính phủ duyệt.
"Hiện, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng thương mại mục tiêu theo định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhằm chuẩn bị cho việc nhận chuyển giao bắt buộc, có thể sẽ được thực hiện trong năm nay. Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng mục tiêu vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Sau khi hoàn tất quá trình tái cơ cấu, MB có thể lựa chọn sáp nhập hoặc thoái vốn khỏi ngân hàng này", ông Thái nói.
Tương tự, ông Đỗ Việt Hùng - Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định.
Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số). Tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024 này.
Cũng theo lãnh đạo Vietcombank, là ngân hàng có vai trò chủ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank có trách nhiệm thực hiện xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, góp phần vào đảm bảo ổn định, hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Đảm bảo toàn hệ thống thì mới đảm bảo được an toàn từng tổ chức.