Bình Dương hướng đến xây dựng một đô thị thông minh bền vững

Đông Anh Thứ năm, ngày 09/09/2021 09:35 AM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên, tháng 3/2021, tỉnh Bình Dương đã được vinh danh lần thứ 3 trong danh sách của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Qua đó khẳng định hướng phát triển thành phố thông minh là đúng đắn, hiệu quả, phù hợp xu thế của thế giới
Bình luận 0

Thành phố thông minh - xu hướng của một đô thị hiện đại

Thật vậy, trong tổng số 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới, tỉnh Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam, lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong danh sách này.

Trên cơ sở đề nghị của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – TNHH một thành viên Becamex IDC, từ năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức phê duyệt Đề án "Thành phố thông minh Bình Dương".

Bình Dương hướng đến xây dựng một đô thị thông minh bền vững - Ảnh 1.

Tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - trái tim của "Thành phố mới Bình Dương". Ảnh: Ngô Xuân Thi

Bình Dương là địa phương đầu tiên tại Việt Nam trở thành thành viên của ICF vào năm 2018, mở ra cơ hội thiết lập quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn với cộng đồng thông minh toàn cầu nhằm mục đích trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Bình Dương.

Thành phố mới Bình Dương, một khu vực đã được quy hoạch hiện đại. Đây sẽ là trung tâm của một vùng được gọi là "Vùng thông minh Bình Dương". Vùng này được chọn trên các tiêu chí quốc tế của ICF. Và, được sử dụng trong chiến lược xây dựng thương hiệu cấp quốc gia hay quốc tế, nhằm thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và lao động trí thức đến sống và làm việc tại Bình Dương.

Bình Dương hướng đến xây dựng một đô thị thông minh bền vững - Ảnh 2.

Một góc Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Ngô Xuân Thi

Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cho biết: "Thành phố thông minh bền vững là một thành phố đổi mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác, để cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Mặt khác, nó cũng mang lại hiệu quả hoạt động và dịch vụ đô thị, có tính cạnh tranh; đồng thời, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại, cũng như tương lai; thể hiện trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường".

Trên thực tế, Vùng thông minh Bình Dương đã cho thấy mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 thành phố thông minh thịnh vượng khắp thế giới. Những thành phố này hiện nằm trong danh sách của ICF. 

Từ đó, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút lao động tri thức, là nền tảng cho phát triển dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai...

Bình Dương Navigator 2021 - một sự đột phá

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Becamex IDC - đơn vị đề xuất thực hiện Đề án "Thành phố thông minh Bình Dương" nói: " Đề án tập trung vào hướng phát triển hệ thống giáo dục nghiên cứu khoa học, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật cao có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), làm đòn bẩy cho các hạng mục đầu tư đã có trong vùng, tạo ra thêm nhiều địa bàn cư trú và làm việc cho các doanh nghiệp mới, cùng công dân và áp dụng những bài học, kinh nghiệm tốt nhất từ các nước tiên tiến trên thế giới, bắt đầu từ cơ sở Eindhoven – Hà Lan".

Bình Dương hướng đến xây dựng một đô thị thông minh bền vững - Ảnh 4.

Tỉnh Bình Dương là địa phương công nghiệp hết sức quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Ngô Xuân Thi

Quả thật, từ tháng 1/2015, Bình Dương từng cử đoàn sang thành phố Eindhoven – Hà Lan, để học tập mô hình "thành phố thông minh". Ngược lại, chính quyền thành phố Eindhoven – Hà Lan cũng cử đoàn sang giúp Bình Dương những kinh nghiệm, bài học xây dựng "thành phố thông minh". Đặc biệt là việc xây dựng Mô hình phát triển kinh tế - xã hội hợp tác 3 nhà (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp).

Một chương trình chiến lược đột phá Bình Dương 2021 tầm nhìn 2030, được mang tên "Bình Dương Navigator 2021" đã hình thành. Đây là chương trình hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai Đề án "Thành phố thông minh Bình Dương".

Nó xác định và phân công cụ thể từng chương trình hành động cần thiết trong các lĩnh vực: Lực lượng lao động (con người); Nghiên cứu và phát triển (công nghệ); Doanh nghiệp và quan hệ doanh nghiệp (doanh nghiệp) và Môi trường, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng (các yếu tố nền tảng).

Bình Dương hướng đến xây dựng một đô thị thông minh bền vững - Ảnh 6.

Sản xuất túi xách cao cấp nhãn hiệu Coach để xuất khẩu sang Mỹ, tại Nhà máy của Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình (Tập đoàn TBS - Bình Dương). Ảnh: Đông Anh

Trong đó, con người là trọng tâm của đề án. Đó là lực lượng lao động, năng lực làm việc, khả năng hợp tác, trình độ giáo dục, kỹ năng và sự phù hợp giữa công việc – con người.

Nhờ những quyết sách hết sức cởi mở và khoa học, phù hợp với xu thế thời đại, mà thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương đã thu được kết quả khá ấn tượng. 

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có trên 48.000 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt 450.000 tỷ đồng và gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 35,4 tỷ USD.

Bình Dương hướng đến xây dựng một đô thị thông minh bền vững - Ảnh 7.

Hiện tỉnh Bình Dương có khoảng 2 triệu dân, với lực lượng lao động hùng hậu đang làm việc tại các khu công nghiệp. Ảnh: Đông Anh

Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc triển khai Đề án "Thành phố thông minh" cũng nằm trong chiến lược xây dựng phát triển giai đoạn mới của tỉnh. Chiến lược này có định hướng "Vùng đổi mới - sáng tạo Bình Dương". Đây là tầm nhìn phát triển tương lai của tỉnh nhằm nâng cao đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị, đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Becamex IDC, với một chiến lược nhất quán, Bình Dương sẽ lần lượt thực hiện các hành động cụ thể trong đề án, cùng chia sẻ những lợi ích và mong muốn giữa các bên. 

"Tỉnh Bình Dương hoàn toàn có thể mở ra một trang mới về kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu mới, tất yếu của người dân và doanh nghiệp. Tiến tới một nền dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, dần dần hướng tới trở thành một đô thị đáng sống, đáng làm việc. Từng bước thực hiện mục tiêu lâu dài là Vùng kinh tế thông minh Bình Dương", ông Hùng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem