Bình Dương: Tỷ phú trồng mai vàng công nghệ cao trong làng cây kiểng Đông Nam bộ

Thành Quang (Hội Nông dân tỉnh Bình Dương) Chủ nhật, ngày 08/08/2021 09:00 AM (GMT+7)
Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào mô hình trồng mai vàng của anh Bùi Đức Dũng, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã An Tây, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Anh Bùi Đức Dũng sinh năm 1980 là một trong những nông dân giỏi tiêu biểu của xã An Tây, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương).

Anh Dũng xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học anh theo học chuyên môn ngành điện, đã từng tham gia làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực điện, điện tử.

Bình Dương: Tỷ phú trồng mai vàng công nghệ cao trong làng cây kiểng Đông Nam bộ - Ảnh 1.

Anh Bùi Đức Dũng bên mô hình trồng mai vàng của trang trại tại ấp An Thành, xã An Tây, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương).

Tuy nhiên với bản tính thích độc lập, muốn tìm hướng đi riêng cho mình, sẵn “có máu” làm nông nghiệp từ truyền thống gia đình anh đã quyết định đầu tư mô hình trồng mai vàng ứng dụng công nghệ cao tại ấp An Thành, xã An Tây, thị xã Bến Cát.

Vườn trồng cây mai kiểng của anh Dũng có diện tích 2 ha (lớn nhất khu vực xã An Tây), cách đường DT 744 (đoạn đi qua xã An Tây) 3 km theo hướng tây, giáp sông Sài Gòn. 

Anh Bùi Đức Dũng bắt đầu phủ bạt nông nghiệp theo các luống trồng cây mai vàng để hạn chế cỏ dại và côn trùng phát triển. Các chậu hoa mai được kê cao hơn mặt luống từ 30-50cm với mục đích không bị nhiễm phèn và chủ động dinh dưỡng cho cây mai. 

Anh thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho toàn bộ 4.500 gốc mai trên diện tích 2 ha. Anh sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phân gà ủ nấm trichoderma theo qui trình 45 ngày sau đó đưa qua máy ép thành viên có kích thước 10-20mm để bón cho cây mai.

Sắp tới , anh Bùi Đức Dũng dự kiến sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ nguyên liệu phân gà ủ nấm trichoderma (góp phần bảo vệ môi trường).

Loại phân hữu cơ vi sinh này anh sẽ sử dụng cho trang trại và cung cấp cho các hộ trồng mai kiểng trên địa bàn. Hiện tại trang trại trồng mai vàng của anh có 3 lao động thường xuyên và hơn 10 lao động thời vụ khi vào mùa chuẩn bị hoa tết.

Anh Dũng còn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái với công suất 60 kw dùng cho toàn bộ trang trại trồng mai vàng.

Hàng tháng sau khi trừ lượng điện đã tiêu thụ anh còn được công ty điện lực thanh toán lại số tiền điện hòa lưới hàng chục triệu đồng.

Một số hình ảnh mô hình trồng mai của anh Bùi Đức Dũng, xã An Tây, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương).

Bình Dương: Tỷ phú trồng mai vàng công nghệ cao trong làng cây kiểng Đông Nam bộ - Ảnh 3.

Toàn cảnh vườn trồng mai vàng của gia đình anh Bùi Đức Dũng.

Bình Dương: Tỷ phú trồng mai vàng công nghệ cao trong làng cây kiểng Đông Nam bộ - Ảnh 4.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái giúp cung cấp điện sinh hoạt, sản xuất trong vườn trồng mai vàng và hàng tháng có sản lượng điện thừa bán cho công ty điện lực...

Bình Dương: Tỷ phú trồng mai vàng công nghệ cao trong làng cây kiểng Đông Nam bộ - Ảnh 5.

Vườn trồng mai vàng của anh Dũng thường xuyên có khách tới thăm quan, học hỏi (hình chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở tỉnh Bình Dương và các tỉnh phía Nam).

Bình Dương: Tỷ phú trồng mai vàng công nghệ cao trong làng cây kiểng Đông Nam bộ - Ảnh 6.

Các chậu mai kiểng được kê cao so với mặt bằng của vườn mai.

Bình Dương: Tỷ phú trồng mai vàng công nghệ cao trong làng cây kiểng Đông Nam bộ - Ảnh 7.

Anh Dũng bên máy ép viên phân hữu cơ vi sinh được anh thực hiện sau khi ủ phân gà với nấm trichoderma theo đúng quy trình kỹ thuật.

Anh Dũng tâm sự: bản thân khởi nghiệp với mô hình trồng mai từ năm 2014. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ ứng dụng công nghệ cao, an toàn, bảo vệ môi trường mà vườn mai phát triển đồng đều, cây có dáng đẹp đáp ứng thị hiếu chơi mai ngày tết của người dân gần xa.

Theo anh Dũng các gốc mai có giá bán từ 2 triệu đồng trở lên vào dịp tết. Anh chia sẽ: “Quan điểm của tôi là ứng dụng triệt để khoa học kỹ thuật công nghệ vào mô hình nông nghiệp để giảm chi phí nhân công. Vì hiện tại công lao động trong ngành nông nghiệp rất khó tìm tại địa phương”.

Định hướng trong thời gian tới, anh Bùi Đức Dũng mong muốn thành lập hợp tác xã trồng mai vàng xã An Tây trên cơ sở tổ hợp tác làng mai An Tây.

Thành lập hợp tác xã nhằm liên kết các hộ trồng mai có quy mô nhỏ lẻ phát triển thành vùng sản xuất chuyên canh phục vụ cho người chơi mai trong và ngoài địa phương. Đồng thời, hợp tác xã trồng mai vàng gắn với phát triển du lịch sinh thái cho vùng sản xuất mai xã An Tây, thị xã Bến Cát góp phần tăng thu nhập của người nông dân, tăng chất cho bộ mặt nông thôn mới của xã trong thời gian tới...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem