Bình Thuận: Giá thanh long tăng cao, nông dân không dám cho ra trái vì sợ khô hạn

Nguyễn Vy Thứ ba, ngày 30/03/2021 19:10 PM (GMT+7)
Giá thanh long Bình Thuận đang ở mức cao nhưng nguồn nước tưới trong các hồ đập đang cạn kiệt. Việc chong đèn nghịch vụ cho thanh long ra hoa, đậu trái giữa mùa khô hạn này là rất mạo hiểm.
Bình luận 0

Tại huyện Hàm Thuận Nam, vùng trọng điểm trồng thanh long của Bình Thuận, ngành nông nghiệp đang khuyến khích nông dân không làm vụ nghịch nếu không chủ động được nước tưới.

Không dám cho ra trái

Những ngày cuối tháng 3, hồ thủy lợi Tà Mon ở xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam) xả nước đợt cuối cùng trong niềm vui mừng của người dân trồng thanh long. Nhờ nguồn nước này, nhiều vườn thanh long nghịch vụ đang khô cháy được giải cứu, tiếp tục nuôi trái cho đến khi thu hoạch. Nhiều người dân vùng hạ lưu cũng tranh thủ dẫn nước về tích trữ trong các ao, bầu.

Khô hạn kéo dài đe dọa vườn thanh long - Ảnh 1.

Thanh long trong vườn đang bị tóp cành chết héo, không cách nào cứu được vì không có nước tưới. Ảnh: Việt Quốc

"Không xử lý nghịch vụ nếu không chủ động nguồn nước tưới. Đồng thời áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, phủ gốc bằng rơm rạ, kéo giãn thời gian tưới nước chờ mùa mưa đến".

Ông Trần Văn Lanh

Ông Đinh Văn Vui (ở xã Tân Lập) kể, trước Tết Nguyên đán, giá thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giảm xuống mức kỷ lục, chỉ dao động từ 2.000 - 3.500 đồng/kg. Nhiều bà con trồng thanh long điêu đứng. Từ mùng 1 Tết đến nay, giá tăng lên từ 14.000 - 19.000 đồng/kg. 

Hiện, thanh long xuất khẩu thương lái mua từ 18.000 - 21.000 đồng/kg. Mức giá thanh long được coi là khá cao vào thời điểm này.

Giá cao tưởng là ngon ăn nhưng ông Vui nói, sau khi thu hoạch lứa thanh long này xong, ông không mạo hiểm xử lý nghịch vụ ở các đợt kế tiếp nữa. "Nếu vì lợi trước mắt mà ép cây ra hoa, trái vào thời điểm khô hạn như lúc này, cây sẽ bị suy kiệt, gây thiệt hại lâu dài về sau" - ông nói.

Những vườn thanh long như của ông Vui còn may mắn vì vẫn có nước để tằn tiện. Với những vườn thanh long nằm ở triền đồi hoặc cách xa khu vực cung cấp nước của hồ Tà Mon đang lâm vào tình trạng vàng úa, teo tóp cành. 

Nhiều chủ vườn phải khoan giếng ở độ sâu 100 - 120m, tốn tiền triệu nhưng vẫn không có nước để cứu thanh long. Không ít hộ phải mua nước với mức giá 150.000 đồng/4m3 nước để tưới cầm chừng. Bình quân, 1ha tiêu tốn hơn 10 triệu đồng/tháng.

Ông Triệu Đình Vinh (ngụ cùng xã Tân Lập) kể, gia đình đã khoan 3 giếng rồi mà không có nước, dù giếng khoan sâu hơn 100m. Ông Vinh vừa mua nước tưới vừa phủ gốc bằng rơm rạ, hạn chế thoát hơi nước, duy trì sự sống của cây chờ mưa tới.

Nguồn nước sụt giảm

Ông Lê Minh Quang (nông dân ở xã Thuận Quý) cho biết, đây không phải lần đầu các vùng trồng thanh long của huyện Hàm Thuận Nam đối diện với khô hạn. Theo ông Quang, biến đổi khí hậu khiến khô hạn ngày càng khắc nghiệt, cùng với đó là tình trạng phát triển ồ ạt thanh long cũng khiến nguồn nước ngầm suy giảm.

Ngay tại vườn nhà ông Quang, cách đây 20 năm, giếng khoan chừng 10m là có nước. 10 năm sau phải khoan 13 - 14m. 5 năm trước, ông phải khoan từ 30 - 40m để lấy nước tưới thanh long. "Những vùng cao hơn phải khoan tới 60m. Một số vùng đất trong xã ngày trước vốn sình lầy nay cũng trơ khô, suối không còn nước" - ông Quang nói.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, lượng nước chứa ở 6 hồ đập thủy lợi khoảng 47 triệu m3. Nhưng đến nửa cuối tháng 3, nguồn nước hữu ích chỉ còn 12 triệu m3. Nguồn nước trên được ngành thủy lợi ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt đến ngày 30/6, và xả một đợt nước cuối cùng trong tháng 3, 4 để bà con chăm sóc thanh long.

Trước tình trạng nguồn nước thiếu hụt nghiêm trọng, nông dân phải chủ động nhiều biện pháp tích trữ nước để chống hạn. Ông Quang kể, đối với những vùng đất pha cát như ở các xã Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành, bà con xây đáy ao hoặc lót bạt để tích trữ nước và tránh sự thẩm thấu, thoát nước. Còn như ở các xã Hàm Thạnh, Hàm Minh, thị trấn Thuận Nam thì nông dân nạo vét, cải tạo ao hồ để trữ nước chống hạn. Nhiều người còn lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt để tiết kiệm và sử dụng nước đúng mục đích.

Ông Trần Văn Lanh - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Hàm Thuận Nam cho biết, mùa khô này, địa bàn huyện là nơi chịu nắng hạn căng thẳng nhất trong tỉnh. Toàn huyện có trên 14.700ha thanh long, trong đó hơn 60% diện tích xử lý nghịch vụ. Nắng hạn dự báo sẽ kéo dài, dẫn đến nguồn nước ở các hồ thủy lợi đang dần cạn kiệt. Ngành chức năng khuyến cáo không chong đèn trong thời gian này nhằm giảm thiểu rủi ro cho hộ trồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem