Trồng thành công "rau vua" cho đội "nón nhựa" trông ngồ ngộ, ông nông dân Ninh Thuận hễ cắt là bán hết sạch

Cơ Nguyên (TTKN Ninh Thuận/Cổng TTĐT TTKN Việt Nam) Thứ bảy, ngày 27/04/2024 12:47 PM (GMT+7)
Nhạy bén nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng măng tây, năng động để đạt được hiệu quả cao, lão nông Phạm Lê Hùng, 64 tuổi ở thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều sáng tạo trong mô hình trồng măng tây không dùng phân bón hóa học (phân vô cơ) mà năng suất măng vẫn cao.
Bình luận 0

Cách làm của ông khá đơn giản, chỉ là kết hợp giữa trồng măng và nuôi bò, sử dụng nguồn chất thải trong quá trình chăn nuôi để bón cho cây, phụ phế phẩm từ cây măng tây xanh để làm thức ăn cho bò.

Năm 2019, từ nguồn kinh phí của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình trồng măng tây xanh hướng hữu cơ tại xã Phước Hải, gia đình ông Hùng được nhận hỗ trợ để trồng 1 sào (1.000 m2) thử nghiệm cây măng tây trên vùng đất mới. 

Thời điểm này, vùng đất này chỉ vỏn vẹn chỉ có 02 hộ trồng măng, với diện tích 2 sào, đến nay sau hơn 5 năm, đã có gần 100 hộ trồng, với diện tích hơn 15 ha (15.000 m2).

Mỗi sào măng tây xanh, canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho ra trung bình 10 kg măng/ngày, thời gian thu 3 tháng liên tục. 

Sau đó cho cây măng nghỉ để phục hồi bộ rễ và rồi tiếp tục thu măng xoay vòng trong năm. Tùy theo cách thức canh tác, chăm sóc của mỗi hộ, vườn măng có khả năng cho măng từ 5 đến 10 năm. 

Thế nhưng, với vườn măng gia đình ông Hùng năng suất đạt kỷ lục 25 kg/sào/ngày và năng suất này được duy trì liên tục trong 20 ngày thu măng. Thời gian thu măng lên đến 4 tháng.

Trồng thành công "rau vua" cho đội "nón nhựa" trông ngồ ngộ, ông nông dân Ninh Thuận hễ cắt là bán hết sạch- Ảnh 1.

Vườn ươm măng của gia đình ông Hùng, nông dân trồng măng tây hướng hữu cơ ở thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. 

Trước đây, khi chưa kết hợp giữa trồng măng với nuôi bò, thu nhập từ độc canh cây măng khá thấp. Với sự năng động và quyết tâm phấn đấu vươn lên, ông Hùng đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi qua sách vở, mạng internet và tham quan thực tế sản xuất tại nhiều nơi để nghiên cứu, áp dụng những cách làm hay phù hợp với điều kiện sản xuất của mình. 

Từ đó, ông có nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc cây măng. Nhận thấy mỗi năm gia đình phải bổ sung thêm 10 tấn phân bò để bón bổ sung cho 3 sào măng, ông mạnh dạn làm chuồng và mua 4 con bò về nuôi. 

Từ đó, mô hình tuần hoàn được hình thành để tận dụng tốt các nguồn phế phụ phẩm quá trình sản xuất măng làm thức ăn cho bò, còn phân bò được phối trộn nấm Trichoderma ủ hoai, kết hợp phân vi sinh trùn quế để bón cho cây. 

Từ đó đã giúp vườn măng luôn khỏe mạnh, kháng được nhiều sâu bệnh, cho măng loại 1, loại 2 khá cao.

Trồng thành công "rau vua" cho đội "nón nhựa" trông ngồ ngộ, ông nông dân Ninh Thuận hễ cắt là bán hết sạch- Ảnh 2.

Ông Hùng (áo xanh đậm) giới thiệu mô hình với Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận.

Trồng thành công "rau vua" cho đội "nón nhựa" trông ngồ ngộ, ông nông dân Ninh Thuận hễ cắt là bán hết sạch- Ảnh 3.

Ông Hùng chụp đầu mầm măng tây khi cây măng cao 7-10 cm

Ông không cho măng ra đồng loạt mà chia làm 2 kỳ, vừa để có măng thu hằng ngày, vừa có phụ phế phẩm cho bò ăn. 

Trung bình mỗi ngày gia đình ông thu hoạch 30 kg măng, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày. Hiện tại, với 3 sào măng, mỗi năm gia đình ông thu về lợi nhuận gần 400 triệu đồng.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của gia đình ông đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị của cây măng và giảm các tác động xấu cho môi trường do không sử dụng phân hóa học. 

Ngoài ra, ông đã có nhiều giải pháp để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong quá trình canh tác cây măng như cải tiến dụng cụ làm cỏ, xới xáo vườn để tạo độ thoáng khí cho đất mà không ảnh hưởng đến bộ rễ của cây măng; thiết kế hàng hàng đôi theo hướng Đông Tây; sử dụng trụ đỡ bằng bê tông, giăng lưới cố định; phun trừ nấm bệnh bằng vòi áp lực cao; sử dụng hệ thống tưới phun tầng thấp; chụp đầu măng khi măng cao 7-10 cm; trồng cây chắn gió,... 

 Đặc biệt, ông đã tự chủ động lai tạo ra giống măng F2 để cung cấp, hướng dẫn và sẵn sàng chia sẻ cho bà con đến học hỏi kinh nghiệm để nâng cao thu nhập từ cây măng.

Từ mô hình đạt hiệu quả kinh tế như của ông Hùng, được biết Hội Nông dân xã Phước Hải, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến học hỏi, nhân rộng.
Tuy nhiên, ông và nhiều hộ dân trồng măng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về trình quy kỹ thuật, cây giống và nhất là kết nối thị trường để giá thành xứng đáng với phương thức sản xuất hữu cơ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem