[Biz Insider] Nhờ đâu Trung Thủy Group sở hữu loạt lô đất "vàng"?

07/04/2024 10:52 GMT+7
Trung Thủy Group từng là doanh nghiệp kinh doanh đồ mỹ nghệ cao cấp. Nhưng kể từ khi lấn sân sang bất động sản, thông qua việc "bắt tay" với các doanh nghiệp Nhà nước, Trung Thủy Group từng bước thâu tóm loạt lô đất "vàng"…

CTCP Tập đoàn Trung Thủy (Trung Thủy Group) được thành lập năm 1994 bởi doanh nhân Dương Thanh Thủy. Ngành nghề kinh doanh ban đầu của Trung Thủy Group là cửa hàng mỹ nghệ cao cấp Đông Phương (đặt tại số 5 Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Sau đó, Trung Thủy Group cho ra đời Thương hiệu Miss Aodai và nhanh chóng trở thành thương hiệu uy tín đối với du khách quốc tế.

Giai đoạn năm 2005, Trung Thủy Group dần chuyển mình sang lĩnh vực bất động sản, khởi đầu bằng các dự án như Sen Spa (10 tầng), Trạm dừng Mekong tại Tiền Giang…

Năm 2006 đánh dấu bước chân của Tập đoàn Trung Thủy bằng sự ra đời của dự án Tòa nhà Miss Áo Dài cao 12 tầng tọa lạc tại phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM và theo sau là Lancaster HCM (22 tầng tọa lạc tại Lê Thánh Tôn, quận 1, TP. HCM), Lancaster Hà Nội (27 tầng tại Núi Trúc, Ba Đình.

[Biz Insider] Nhờ đâu Trung Thủy Group sở hữu loạt lô đất "vàng"?- Ảnh 1.

Gia đình doanh nhân Dương Thanh Thủy. Nguồn: Internet

Dữ liệu cho thấy, Trung Thuỷ Group thuộc sở hữu của của ba cổ đông đều trong gia đình là bà Dương Thanh Thuỷ (sở hữu 80%), ông Nguyễn Văn Trung (chồng bà Thuỷ, sở hữu 10%) và Nguyễn Trung Tín (con trai bà Thuỷ, sở hữu 10%). Vốn điều lệ của doanh nghiệp là 800 tỷ đồng.

"Bắt tay" loạt doanh nghiệp Nhà nước, thâu tóm nhiều "đất vàng"

Năm 2009, Trung Thủy Group ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 81/HĐHTĐT/SGB-TTG ngày 26/10/2009 với CTCP Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn (Sabetran).Theo đó, hai bên cùng hợp tác đầu tư xây dựng tòa nhà cao cấp hỗn hợp làm văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ (bán và cho thuê) tại số 78 Tôn Thất Tuyết, phường 16, quận 4, TP. Hồ Chí Minh (trụ sở chính của Sabetran) với vốn đầu tư dự kiến là 950 tỷ đồng.

[Biz Insider] Nhờ đâu Trung Thủy Group sở hữu loạt lô đất "vàng"?- Ảnh 2.

Trích Báo cáo tài chính năm 2014 của Sabetran.

Theo hợp đồng, Sabetran góp vốn bằng quyền thuê đất với diện tích gần 2,3ha. Doanh nghiệp dự án được thành lập năm 2010 với tên gọi CTCP Đầu tư Bất động sản Sabetran Trung Thuỷ có vốn 100 tỷ đồng, trong đó Sabetran góp vốn bằng khu đất 78 Tôn Thất Thuyết.

Năm 2016, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 90/HĐNT/2016 với Trung Thủy Group thành lập doanh nghiệp mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri để thực hiện dự án hợp tác đầu tư Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên khu đất có diện tích 650,04ha tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh được UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư tại công văn số 4039/UBND-KT ngày 28/7/2016. Dự án này có tổng vốn đầu tư 820 tỷ đồng.

[Biz Insider] Nhờ đâu Trung Thủy Group sở hữu loạt lô đất "vàng"?- Ảnh 3.

Trích Báo cáo của Sagri.

Công ty Nông nghiệp Trung Thủy Sagri có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó, Sagri góp 59,04 tỷ đồng (tương ứng 36% vốn) và Trung Trủy Group góp 59,04 tỷ đồng (tương ứng 64% vốn). Đặc biệt, số tiền Trung Thủy Group góp vốn lại được cam kết cho Sagri vay không tính lãi trong thời gian 3 năm kể từ khi ngày thành lập Công ty Nông nghiệp Trung Thủy Sagri.

Tuy nhiên, dự án này là 1 trong 3 dự án bị UBND TP.HCM giao Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Sagri kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thời kỳ có liên quan đối với các sai sót trong tham mưu, đề xuất ký kết hợp đồng hợp tác không đúng quy định vào hồi đầu năm 2018.

Đáng chú ý, Sagri cũng bàn giao hơn 140ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM cho Trung Thủy Sagri khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài những vụ chuyển giao đất kể trên, Sagri còn ký hợp đồng số 64/HĐ-TCT ngày 27/5/2016 hợp tác với Tập đoàn Trung Thủy năm 2016 trong dự án cao ốc văn phòng với tên gọi Dreamplex 195 Building ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và được đưa vào hoạt động.

Không chỉ vậy, bằng hình thức liên doanh, Trung Thủy Group và Viện Nghiên cứu da giầy đã thành lập Công ty TNHH Minh Khang vào năm 2008, với mục đích thực hiện dự án trên lô đất vàng 20 Núi Trúc. Theo hợp đồng hợp tác, Viện Nghiên cứu da giày góp vốn bằng đất tương ứng với 48 tỷ đồng (37% vốn điều lệ), còn Tập đoàn Trung Thủy góp 81 tỷ đồng (63% vốn điều lệ) bằng tiền mặt. Tháng 10/2009, dự án The Lancaster Hà Nội chính thức được khởi công và hoàn thành và cuối năm 2013.

[Biz Insider] Nhờ đâu Trung Thủy Group sở hữu loạt lô đất "vàng"?- Ảnh 4.

Báo cáo năm 2015 của VST.

Bên cạnh đó, năm 2015, Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận được ra đời, là thành quả của hợp tác giữa Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster và Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 90% và 10% vốn điều lệ. Sau 5 năm, tháng 6/2020, ĐHĐCĐ thường niên VST đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ 10% vốn tại doanh nghiệp này.

 Chủ đầu tư dự án 4.500 tỷ đồng mới được "khởi động" sau nhiều năm "đắp chiếu" 

Trung Thủy Group là chủ đầu tư của dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự án được thành lập tháng 10/2010 với tên gọi CTCP Trung Thủy - Đà Nẵng, vốn điều lệ 735 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của Trung Thủy - Đà Nẵng là ông Nguyễn Văn Trung. 

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô có tổng diện tích 35ha bao gồm 25ha dự án, 10ha diện tích bờ biển, trải dài trên 3km đường bờ biển và nằm ngay trong lòng làng chài Nam Ô. Năm 2008, chính quyền TP. Đà Nẵng có chủ trương hình thành Khu du lịch sinh thái ở Nam Ô và giao cho Tập đoàn Trung Thủy (công ty mẹ của Trung Thủy Đà Nẵng) làm đơn vị đầu tư và phát triển.

Hồi năm 2010, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch hơn 36ha ở làng Nam Ô. Tuy nhiên, dự án dừng thì công thời gian dài do vướng mắc các ý kiến phản đối của người dân địa phương và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nguyên nhân dự án "đắp chiếu" nhiều năm là do hàng trăm người dân thôn Nam Ô 1 và Nam Ô 2 đã tập trung phản đối khi Tập đoàn Trung Thủy dùng hàng rào sắt bao quanh để chia cắt người dân với mặt biển.

Năm 2019, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, điều chỉnh diện tích giảm bớt diện tích hơn 10ha. Hồi tháng 4/2023, Trung Thủy Đà Nẵng đã chính thức khởi động lại dự án sau nhiều năm "đắp chiếu".

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Thủy - Đà Nẵng báo lãi hơn 1,5 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2023 của Trung Thủy - Đà Nẵng ở mức 767,7 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm 2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,62 lần, tức nợ phải trả của Trung Thủy - Đà Nẵng là 2.011 tỷ đồng. Kết năm 2023 Trung Thủy - Đà Nẵng ghi nhận gần 17,4 tỷ đồng lợi nhuận, tăng đáng kể so với con số hơn 11 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cải thiện từ 1,46% năm 2022 lên 2,2% năm 2023

Bên cạnh hoạt động kinh doanh ghi nhận lợi nhuận tăng, Trung Thủy - Đà Nẵng liên tục mua lại trái phiếu trước hạn. Tính từ đầu năm 2024, Trung Thủy - Đà Nẵng đã thực hiện 2 giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 395 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 19/1/2024, Trung Thủy - Đà Nẵng đã mua lại 325 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của mã trái phiếu TDNCH2225001. Sau khi giao dịch hoàn tất, Trung Thủy - Đà Nẵng còn 967,9 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành.

Gần đây nhất, ngày 15/3/2024, Trung Thủy - Đà Nẵng tiếp tục mua 70 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của mã trái phiếu TDNCH2225001. Hiện, Trung Thủy - Đà Nẵng còn 897,9 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục