Bộ Công Thương đưa "hạn chót" để EVN đưa ra giá mua điện gió, điện mặt trời

23/03/2023 17:50 GMT+7
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu đơn vị này nhanh chóng hoàn tất thoả thuận mua bán điện với các nhà phát triển điện mặt trời, điện gió.

Bộ Công Thương yêu cầu, hạn chót ngày 31/3 (tức là chỉ còn 8 ngày nữa), EVN sẽ phải đưa ra mức giá mua điện của các nhà phát triển điện gió, điện mặt trời, thuộc các dự án được xếp vào nhóm điện chuyển tiếp.

Bộ Công Thương đưa "hạn chót" để EVN đưa ra giá thương thảo mua điện gió, điện mặt trời - Ảnh 1.

Nhiều dự án điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) của Việt Nam đang gặp phải tình huống khó khăn khi vướng mắc lớn liên quan đến thương thảo giá mua, bán điện với EVN.

Trước đó, ngày 09/01 năm 2023, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng một kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh, tuỳ loại hình.

Tiếp theo ngày 02/3/2023, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp với thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.

Theo phía EVN cho biết, trước đó đơn vị này đã gửi văn bản đề nghị 85 nhà đầu tư gửi hồ sơ chuẩn bị cho quá trình đàm phán giá, hợp đồng. Khi đủ điều kiện sẽ đàm phán theo hướng công bằng, minh bạch. Tuy nhiên đến ngày 20/3, chỉ có 1/85 chủ đầu tư gửi hồ sơ.

Ngày 20/3 vừa qua tại Hà Nội, Bộ Công Thương, EVN đã tổ chức Hội nghị với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo với mục đích đối thoại, tháo gỡ khó khăn về đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) chuyển tiếp. Tại Hội nghị này, các nhà đầu tư kiến nghị, EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent một kWh. Ngoài ra, cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu, được đóng điện và ghi nhận sản lượng.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó TGĐ Tập đoàn T&T đề xuất EVN cho "huy động ngay sản lượng điện của các nhà máy đã hoàn thành đầu tư xây dựng để tránh lãng phí. Hiện có 34 dự án hoàn thành đầu tư, xây dựng gồm 28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời".

Đề cập đến chuyện hàng chục nhà đầu tư điện tái tạo dù đã hoàn tất đầu tư và sẵn sàng vận hành để đấu lưới điện. Tuy nhiên, do chậm triển khai để hưởng giá FIT mà hiện tại phải chờ đợi mòn mỏi, trong khi nhà đầu tư đã và đang phải trả tiền nhà thầu, tiền lãi hàng tháng rất xót ruột. Hơn nữa, Việt Nam phải nhập khẩu điện từ các nước để bổ sung nguồn thiếu hụt, chính vì vậy, đại diện T&T Group kiến nghị được bán điện với giá bằng 90% giá mà EVN nhập khẩu.

"Đây là giá tạm tính cho các chủ đầu tư, sau này khi đã đàm phán, có giá điện chính thức thì áp dụng theo nguyên tắc hồi tố hoặc theo quy định của EVN. Nếu thiếu EVN bổ sung thêm, nếu thừa thì chủ đầu tư trả lại", bà Bình đề xuất.

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

An Linh
Cùng chuyên mục