Bộ GTVT ủng hộ xây dựng 18 cây cầu với 4 làn xe qua tỉnh Tiền Giang
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị đầu tư các dự án tuyến đường ven biển tại tỉnh Bến Tre và các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL để phối hợp trong quá trình triển khai các dự án này.
Đánh giá về dự án đường ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT khẳng định, ủng hộ việc triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển trên địa phận tỉnh Tiền Giang.
Bộ GTVT cho hay, dự án thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh Tiền Giang nên ngân sách được giao cho Bộ GTVT không thể chi cho đầu tư xây dựng công trình.
Vì vậy, UBND tỉnh Tiền Giang cần chủ động triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án để xác định hướng tuyến, phương án nguồn vốn, hình thức đầu tư phù hợp, huy động tốt mọi nguồn lực để triển khai thực hiện.
"Trong trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương", Bộ GTVT nêu rõ.
Theo Bộ GTVT, dự án đường ven biển Miền Tây có tổng chiều dài 740km, từ TP.HCM đến Hà Tiên, đi qua địa bàn các địa phương TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Trong đó, đoạn qua tỉnh Tiền Giang sẽ làm mới hai đoạn đường dài gần 25km, xây dựng 18 cây cầu. Quy mô đường sẽ là 4 làn xe, vận tốc 80km/h.
Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối hầu hết các tỉnh ĐBSCL, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như thúc đẩy tiềm năng du lịch biển của cả vùng rộng lớn.
Đến nay, Chính phủ đã có quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch vùng đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch 2017.
Theo Quyết định 287/QĐ-TTg, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch Vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Vùng đất, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của 13 tỉnh/thành: TP. Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; vùng biển ven bờ của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Mục tiêu nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Để thực hiện được những mục tiêu trên, việc đầu tư xây dựng, kết nối hệ thống hạ tầng giao thông là vô cùng quan trọng.
Về hạ tầng giao thông, phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.
Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; bốn cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 198.823 tỷ đồng, với 37 dự án mới và 14 dự án chuyển tiếp. Do nguồn vốn này vượt khả năng cân đối nên Bộ đang đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ đồng để đầu tư các dự án trọng điểm tại khu vực.