Bộ NN&PTNT họp khẩn giải "cứu" nông sản trước đại dịch corona
Chiều 3/2, Bộ NN&PTNT tổ chức họp khẩn về tình hình thương mại nông sản trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Tại cuộc họp đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm phổi cấp trong những ngày gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã có những động thái trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa giữa 2 nước. Dự báo nếu tình trạng trên kéo dài, hoạt động thương mại nông lâm thủy sản hai nước sẽ phải chịu những tác động tiêu cực.
Cụ thể, mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất là hai loại trái cây chủ lực: thanh long và dưa hấu vốn chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và lễ sau Tết.
"Qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8/2-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn.v.v...Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.
Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch Viêm phổi cấp được triển khai từ cả hai phía (đến tối ngày 2/2/2020, theo cập nhật có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn)." Đại diện Bộ NN&PTNT cho hay.
Ngoài ra, dịch bệnh Corona cũng sẽ khiến đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc bị đình trệ. Trong đó, đặc biệt là sản phẩm sữa của Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT thông tin thêm, vào quý I/2020, do Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn về thời điểm giao hàng.
Cụ thể, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Nói về sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, hiện nay, việc xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch rất ít, chủ yếu thông qua hình thức trao đổi cư dân. Do đó, trong tình hình hiện tại, chỉ còn cách đợi phía Trung Quốc mở cửa, hoạt động trở lại đối với các chợ biên giới.
"Chúng tôi cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ. Tuy nhiên, kết quả thu được là chưa nhiều do xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, đặc biệt là xuất khẩu trái cây được ưu đãi thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc nên chiếm một tỉ trọng khá lớn. Mặc dù Bộ Công Thương đã khuyến khích các doanh nghiệp chuyển qua xuất khẩu chính ngạch suốt 2 năm qua. Với hình thức xuất khẩu trao đổi cư dân như trên thì chỉ còn cách đợi các chợ biên giới mở cửa trở lại. Do đó, gần đây đã xuất hiện tình trạng ùn ứ cục bộ." Thứ trưởng Khánh cho hay.
Ngoài ra, cũng theo thông tin từ Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới để góp phần chuyển hướng xuất khẩu sang một số thị trường mới.
"Chúng tôi cũng đề nghị một số doanh nghiệp logicstic hỗ trợ bảo quản nông sản trong thời gian tìm kiếm thị trường. Các chi nhánh thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng đã và đang tích cực trao đổi với các tỉnh biên giới nhằm thúc đẩy thời gian mở cửa các chợ biên giới." Thứ trưởng Khánh thông tin thêm.