Bộ Tài chính: Miễn giảm thuế phí 3 năm qua đạt trên 30 tỷ USD
Hơn 700.000 tỷ đồng giảm thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2020 đến nay tổng trị giá của các giải pháp miễn giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 30,4 tỷ USD
Trong đó, riêng năm 2023 khoảng 196.000 tỷ đồng tiền thuế, phí đã được miễn, giảm, gia hạn. Ước thực hiện trong 9 tháng của năm 2023 đạt 152.200 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài chính thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 2,56%, năm 2022 tăng 8,02% và 9 tháng đầu năm 2023 tăng 4,24%.
Liên quan đến các giải pháp giảm thuế VAT 2% như phương án năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng: Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 10% từ ngày 01/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bộ Tài chính cho biết, giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Về kết quả, Bộ Tài chính cho biết, qua 03 tháng thực hiện (tháng 7, 8 và tháng 9 năm 2023), chính sách giảm thuế VAT 2% đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Đồng thời, chính sách này đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, trong đó GDP quý II/2023 và quý III/2023 cao hơn quý I/2023 (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).
Theo Bộ Tài chính, từ tháng 7/2023 chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã có mức tăng 7,1%, tháng 8 là 7,6% và tháng 9 là 7,5%, chấm dứt đà suy giảm của chỉ số này kể từ tháng 01/2023 (tháng 01/2023 so với cùng kỳ năm 2022 tăng 20%; tháng 02 giảm còn 13,2%; tháng 3 là 13,4%; tháng 4, 5 giảm xuống 11,5%; tháng 6 giảm còn 6,5%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, lạm phát vẫn được kiểm soát (CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2023 tăng 3,16%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%).
Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 06 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu NSNN khoảng 25.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4.160 tỷ đồng/tháng, trong đó, giảm thu nội địa là 2.700 tỷ đồng; giảm thu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).
Số liệu trên được tính trên cơ sở dự kiến số giảm thu NSNN nội địa trong 6 tháng cuối năm 2023 (bình quân mỗi tháng là khoảng 2.550 tỷ đồng), giả định tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%, tốc độ tăng trưởng thu NSNN năm 2024 khoảng 5-7%.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.