Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Phát triển mắc ca, quyết không theo phong trào

Anh Thơ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 03/10/2020 08:40 AM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về định hướng chiến lược phát triển cây mắc ca trong thời gian tới. Theo đó, chỉ trồng mắc ca ở những nơi phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu.
Bình luận 0
Phát triển mắc ca, quyết không theo phong trào - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.

Sau 25 năm du nhập và phát triển, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển cây mắc ca ở Việt Nam?

- Cây mắc ca được du nhập từ Úc vào Việt Nam từ năm 1994. Sau 25 năm khảo nghiệm, nghiên cứu, đến nay cả nước có khoảng 16.500ha diện tích trồng mắc ca. Qua thực tế, chúng tôi đánh giá, nếu làm tốt khâu quy hoạch trồng và chế biến, mắc ca có thể trở thành cây đa mục tiêu, vừa mang lại thu nhập ổn định cho nông dân ở những vùng còn khó khăn, đảm bảo nhiệm vụ an sinh vừa tham gia bảo vệ môi trường nhờ nâng cao độ che phủ rừng.

Hiện, ngành chức năng cũng xác định có 2 vùng sinh thái rất phù hợp với trồng cây mắc ca, đó là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên do hội tụ đủ các yếu tố về khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho mắc ca phát triển.

Phát triển mắc ca, quyết không theo phong trào - Ảnh 2.

Một mô hình trồng mắc ca thành công tại Đăk Lăk. Ảnh tư liệu

Mục tiêu phát triển cây mắc ca

Phát triển bền vững cây mắc ca vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai tương tự đảm bảo hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Nâng cao năng suất, chất lượng cây mắc ca thông qua nghiên cứu, chọn tạo giống mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, hình thành vùng gây trồng tập trung đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm. Hình thành hệ thống cơ sở chế biến từng bước hiện đại, gắn với phát triển nguồn nguyên liệu, để sản xuất các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cũng trong 25 năm xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta cũng đã hình thành một hệ sinh thái của ngành hàng mắc ca, với sự ra đời của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam; công tác khảo nghiệm giống cũng phát triển với 13 giống mắc ca đã được công nhận. Ngành chức năng cũng đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng thuần và trồng xen cây mắc ca.

Đáng ghi nhận là, dù mới phát triển nhưng hiện đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến mắc ca với nhiều sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. 

Tôi tin, nếu làm tốt khâu liên kết, cây mắc ca hoàn toàn có triển vọng phát triển ở vùng miền núi, đặc biệt là ở Tây Bắc, Tây Nguyên.

Thực tế, qua khảo sát ở một số địa phương, diện tích trồng mắc ca đã vượt quy hoạch. Bộ NNPTNT có chủ trương gì để kiểm soát việc này vì mắc ca vốn là đối tượng cây trồng khá kén chọn các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp?

- Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 30/6/2020 cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với tổng diện tích đạt 16.553,8ha, so với định hướng quy hoạch, tổng diện tích trồng 15.439,9ha, vượt 5.499ha, đạt 155%. 

Trong đó, khu vực Tây Bắc trồng được 6.670ha, vượt 3.220ha; khu vực Tây Nguyên trồng được 8.769,6ha, vượt 2.279ha. 14 tỉnh ngoài quy hoạch, gồm Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên với tổng diện tích 1.113,9ha.

Phát triển mắc ca, quyết không theo phong trào - Ảnh 4.

Cây mắc ca phù hợp trồng ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.

Dự báo đến năm 2020 trở đi, giá sản phẩm mắc ca ở trong nước sẽ vận hành theo giá thị trường thế giới. Khi đó, dự báo giá bán hạt khô thương mại (giá sau khi đã sơ chế, đạt độ ẩm theo quy định là 2-3%) biến động từ 60.000 -80.000 đồng/kg, người trồng mắc ca có hiệu quả cao hơn so với trồng cà phê, chè, cao su...

Quá trình 25 năm nghiên cứu, khảo nghiệm ở Việt Nam đã chỉ ra nơi nào phù hợp để cây mắc ca phát triển, từ đó căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, căn cứ vào điều kiện tổ chức sản xuất, thị trường để xây dựng quy mô phát triển cho ngành hàng này, quyết không để trồng theo phong trào ồ ạt.

Theo đó, chúng tôi xác định, Tây Bắc, Tây Nguyên là 2 vùng phù hợp để cây mắc ca phát triển. Vùng Tây Bắc vẫn còn quỹ đất để có thể phát triển diện tích trồng mắc ca, tuy nhiên, vùng Tây Nguyên quỹ đất 2,4 triệu ha đất nông nghiệp gần như đã kín các loại cây công nghiệp, chỉ đưa vào trồng xen nhưng phải áp dụng quy trình cực kỳ nghiêm ngặt. Ví dụ, trồng xen với cà phê thì phải tính toán làm sao để hai cây bổ trợ cho nhau, quy trình trồng, chăm sóc mật độ như thế nào để tạo sự cộng sinh cho hai loại cây.

Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ NNPTNT xây dựng chiến lược phát triển cho ngành hàng mắc ca, trong đó sẽ có các nhóm đề án phù hợp với từng giai đoạn.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về năng lực chế biến mắc ca hiện nay của các doanh nghiệp?

- Theo định hướng phát triển tại khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên có 12 cơ sở chế biến, trong đó vùng Tây Bắc có 6 cơ sở; vùng Tây Nguyên có 6 cơ sở. Đến nay, đã có 19 cơ sở chế biến mắc ca, chủ yếu tập trung ở vùng Tây Nguyên với 17 cơ sở. Tổng công suất chế biến hạt mắc ca đạt 6.500 tấn hạt khô/ha/năm, công suất chế biến thực tế là 4.930 tấn, đạt khoảng 75% công suất.

Mặc dù mới phát triển mạnh trong mấy năm gần đây nhưng phải khẳng định, năng lực chế biến mắc ca của các doanh nghiệp đang ngày càng phát triển, chúng ta đã vô cùng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đa dạng, từ cao cấp như chocolate, mỹ phẩm đến cấp độ OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

 Với những kết quả đạt được, chúng ta không tự ti mà hoàn toàn tự tin về một tầng lớp nông dân, doanh nghiệp mới, chủ động tạo ra một ngành hàng mới có thể hội nhập quốc tế.

Trong định hướng của Bộ NNPTNT, chiến lược phát triển cây mắc ca trong thời gian tới sẽ ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Điều quan trọng nhất là phải tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia chế biến nhiều sản phẩm, nếu làm tốt thì mắc ca sẽ có tiềm năng phát triển ở miền núi, đặc biệt là ở Tây Bắc, Tây Nguyên.

Tuy nhiên, mắc ca là cây tương đối khó tính, đặc biệt thời gian ra hoa đậu quả rất cần yếu tố tiểu khí hậu phù hợp. Giai đoạn ra hoa cần nhiệt độ khoảng 17 - 20 độ C trong thời gian tương đối dài, khi ra hoa đậu quả mới cho năng suất cao. Do vậy, cần phải lựa chọn vùng trồng phù hợp.

Mắc ca là cây lâu năm nên công tác giống vô cùng quan trọng, nếu trồng ẩu, giống tạp nham thì rủi ro, nguy cơ cao. Có những nông dân trồng đến năm thứ 7, thứ 10 rồi lại phải chặt đi vì không có quả. Vì vậy, chọn giống là khâu ban đầu quyết định sự thành bại của hệ canh tác cây mắc ca. Chúng tôi khuyến nghị bà con nên sử dụng cây ghép, không sử dụng cây thực sinh vào trồng.

Thứ ba, đây là cây cho sinh khối nhanh, vì vậy cần thâm canh ngay từ đầu, chọn lập địa có tầng đất canh tác ít nhất 1m trở lên, còn tầng đất mỏng không đảm bảo do mắc ca là cây rễ nổi, sẽ không chịu được gió lớn.

Quan trọng nhất là, mắc ca chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi chúng ta đặc biệt coi trọng công tác chế biến. Cùng với đó, cần coi trọng công tác xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem