Bộ trưởng Bộ TN-MT: Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo

Hồ Văn Thứ ba, ngày 18/06/2019 10:34 AM (GMT+7)
“Diễn biến khí hậu đến nhanh hơn so với kịch bản dự báo. Chúng ta cần xem lại hiện tượng sụt lún, sạt lở, xâm thực của biển… đề ra những giải pháp sắp tới làm gì để đối phó với vấn nạn này, giải quyết lở bờ sông-bờ biển và khai thác tài nguyên nước sao cho hợp lý, nhất là kịch bản sống chung với biến đổi khí hậu”.
Bình luận 0

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà sáng 18/6 tại "Diễn đàn chuyên đề: Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL” tổ chức tại TP.HCM.

img

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo".

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế quốc gia nhưng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Chịu tác động của nước biển dâng, khai thác sử dụng nước gia tăng từ các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông. Đồng thời, các tỉnh đối mặt với áp lực tăng dân số và phát triển kinh tế dẫn đến nhu cầu sử dụng nước gia tăng, nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt. Việc phát triển giao thông chưa gắn kết được với nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước và sụt lún đất... Điều đáng báo động là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở hầu hết các tỉnh đe dọa đến sự ổn định của đồng bằng và đời sống người dân.

Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 nêu rõ các điểm, định hướng phát triển tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu theo phương châm “thuận thiên” tức là sống chung và thích nghi với biến đổi khí hậu.

img

ĐBSCL luôn đối mặt với sạt lở. Ảnh: TL

“Diễn biến khí hậu đến nhanh hơn so với kịch bản dự báo. Chúng ta cần xem lại hiện tượng sụt lún, sạt lở, xâm thực của biển,… đề ra những giải pháp sắp tới làm gì để đối phó với vấn nạn này, giải quyết lở bờ sông-bờ biển và khai thác tài nguyên nước sao cho hợp lý, nhất là kịch bản sống chung với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Hà gợi ý.

Theo Bộ TN-MT, biến đổi khí hậu ở Việt Nam gây ra các hiện tượng cực đoan như hạn hán gia tăng trong mùa khô, ảnh hưởng của El Nino và La Nina… Xu thế biến đổi này đang làm thay đổi vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên và tác động lớn đến tài nguyên nước, thay đổi chế độ dòng chảy trong sông và triều cường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi xâm nhập mặn tại ĐBSCL, đặc biệt trong những năm kiệt. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100cm và không có gải pháp ứng phó, ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập đến 38,9% diện tích. Trong đó, ngập nặng là Hậu Giang 80,62% đến Kiên Giang 76,86%, Cà Mau 57,69%...

img

Chợ nổi vừa là nét truyền thống vừa là sự thích ứng với vùng sông nước của người dân ĐBSCL. Ảnh: TL

Theo các chuyên gia, ĐBSCL luôn đối mặt với những vấn đề lũ và ngập lụt ở vùng thượng; xâm nhập mặn ở vùng ven biển; đất phèn và sự lan truyền nước chua ở vùng thấp trũng; thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng gần biển; xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi, ngày càng trở nên nghiêm trọng và ô nhiễm nguồn nước, kể cả nước mặt và nước ngầm.

Theo dự báo của các chuyên gia, dân số ĐBSCL có thể tăng từ 17 triệu hiện nay lên 30 triệu vào năm 2050, khi đó ĐBSCL sẽ đối mặt với áp lực về việc thiếu nước ngọt và vấn nạn ô nhiễm nguồn nước.

img

Lún cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM. Ảnh: H.V

Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014-2017 tại 339 mốc đo ở TP.HCM và ĐBSCL cho thấy có 306 mốc lún, 33 mốc không lún hoặc nâng so với năm 2005.

Trong 306 mốc lún, mức độ lún cao nhất là ở phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) lên đến 81,4cm và kế đến là phường 1 (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) 62,2cm. Điều đáng lo ngại là tốc độ lún vẫn đang diễn ra với tốc độ cao, như phường An Lạc khoảng 6,8cm/năm, xã Bình Thành (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)  là 5,74cm/năm,…

Ở chiều ngược lại, một số khu vực có dấu hiệu nâng nền đất như Đồng Tháp, Long An, TP.HCM với tốc độ trung bình khoảng 0,3cm/năm.

Căn cứ vào mức độ lún đo được tại 339 mốc đo, Cục Quản lý Tài nguyên nước phân vùng sơ bộ mức độ lún, trong đó vùng lún lớn trên 10cm có diện tích khoảng 3,4 nghìn km2 ở 7 tỉnh gồm: Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và 2 thành phố là TP.HCM và Cần Thơ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem